VFF - nơi sự thật thường bị… lấp liếm!
VFF giỏi lấp liếm, giỏi chối tội và giỏi đổ lỗi sai lầm cho người khác.
Cho đến bây giờ, câu nói bất hủ “Mặt bằng VFF thấp hơn mặt bằng xã hội” của cựu Chủ tịch Mai Liêm Trực vẫn chính xác đến từng chữ. Cứ ngỡ sẽ “khai hóa” được cho những con người ở VFF, ông Trực nhận ghế Chủ tịch. Nhưng rồi, sau khi phát hiện ra đã bắt đầu lún vào mớ bòng bong ở đây, ông buộc phải rút lui vì sợ sẽ bị chính VFF tiêm nhiễm vào đầu những “tối kiến”, phương hại đến không chỉ làng bóng nội địa, mà đến cả văn hóa thưởng thức bóng đá - môn thể thao vốn dĩ rất đẹp trong mắt người hâm mộ Việt Nam…
Vì sau nhiều biến cố, qua nhiều cơn khủng hoảng, VFF và những con người ở đây vẫn tồn tại khỏe re. Ai bảo họ nhận thức kém, văn hóa kém? Sai hết. Vì sự thật là VFF quá giỏi. Họ giỏi lấp liếm, giỏi chối tội và giỏi đổ lỗi sai lầm cho người khác để mình tiếp tục tồn tại, tiếp tục hưởng lợi.
Là một tổ chức quản lý bóng đá, hiển nhiên VFF phải là nơi quy tụ của những nhà chuyên môn, không đến mức kiệt xuất, thì cũng phải giỏi hoặc ở trình độ khá. Điều đó có nghĩa, những gì tinh túy nhất của làng bóng đá Việt Nam đều quy tụ tại đây.
Cuộc họp của VFF
Tuy nhiên, đấy là chuyện… hoang đường, đặc biệt là VFF của ngày hôm nay. Những người có chuyên môn bóng đá giỏi, hoặc đã tìm cách “lánh nạn” ở nơi khác, hoặc khép mình lại và sống ẩn dật, nên VFF chỉ còn lại cái tên, còn “nội dung” của tổ chức này đã xuống cấp nghiêm trọng mất rồi.
Trước đây, khi bóng đá còn trong thời kỳ bao cấp, Ban chấp hành của VFF là “thứ dữ”, toàn thấy Giám đốc hoặc chí ít là Phó giám đốc các Sở TDTT tỉnh, thành xuất hiện - những người làm thể thao chuyên nghiệp. Khi hội tụ được cả yếu tố chính trị lẫn tầm vóc quản lý như thế, VFF nói ra là có người tin, có người nể.
Giờ đây, VFF nói ra còn có ai tin? Ít lắm, thậm chí những lời nói của ông Chủ tịch đương nhiệm, của ông PCT truyền thông đương nhiệm còn bị cho là… vô bổ, là thiếu trách nhiệm có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Chính VPF với sự ra đời của mình đã góp phần đưa ra ánh sáng nhiều sự thật mà VFF đã cố tình che đậy suốt nhiều năm ròng. VPF chỉ ra sự ấu trĩ trong quản lý, những khuất tất trong công tác trọng tài, sự buông thả trong luật lệ, trì trệ và quan liêu trong hoạt động… của VFF, mà qua đó để nhấn mạnh rằng có lẽ bóng đá Việt Nam không cần thiết phải tồn tại một tổ chức điều hành kém đến thế.
Tiếc rằng VPF xuất hiện quá trễ, khi VFF đã biến làng bóng đá Việt Nam trở thành một cơ thể gầy gò và đầy bệnh tật…