VFF: Cách mạng hay giành ghế
Đại hội VFF khoá VIII hiện vẫn chưa chính thức ấn định thời điểm diễn ra mà mới chỉ có thông tin dự kiến sẽ tổ chức vào tháng 3/2018, nhưng ngay từ lúc này, những nỗ lực vận động từ hậu trường đã được thực hiện ráo riết, và thất bại của các ĐTQG ở những giải khu vực trong thời gian gần đây bỗng dưng được sử dụng như là vũ khí để người ta tấn công lẫn nhau.
Sau mỗi thất bại của ĐTQG là sự thay đổi chủ nhân của những chiếc ghế, kịch bản ấy đã luôn diễn ra như thế từ nhiều năm nay và SEA Games 29 cũng không là ngoại lệ, khi Phó Chủ tịch phụ trách tài chính tài trợ VFF Đoàn Nguyên Đức đã nộp đơn xin nghỉ sau khi U22 Việt Nam dừng bước ở vòng bảng, chưa kể HLV Hữu Thắng cũng đã thông báo quyết định từ nhiệm ngay trong phòng họp báo sau trận U22 Việt Nam – U22 Thái Lan.
Sau HLV Hữu Thắng, nhiều nhân vật cộm cán của VFF sẽ ra đi sau kì Đại hội khoá VIII?
Thế nhưng, có vẻ như số lượng nhân sự ra đi như thế bị xem là chưa đủ nên có những người vẫn tiếp tục miệt mài vận động để đạt được mục đích của mình. Thậm chí người ta còn thực hiện cả chiến dịch tuyên truyền quy mô với những tên gọi rất kêu như “Chấn hưng bóng đá Việt Nam” để tìm cách thay máu bộ máy lãnh đạo hiện tại của VFF.
Chỉ có điều là thay vì đưa ra những dự án hoặc kế hoạch cải tổ bóng đá Việt Nam để thuyết phục dư luận thì những “nhà cách mạng” này lại chỉ chăm chăm tìm cách bôi xấu đối thủ của mình, mà trong đó có không ít người trước kia từng cùng chung một chiến tuyến, nên cuối cùng dư luận vẫn không hiểu được rốt cục kế hoạch chấn hưng này có thực sự vì sự phát triển của bóng đá Việt Nam, hay chỉ nhằm lấy ghế cho một số nhân vật có thừa tham vọng nhưng năng lực lại không thể hiện được bao nhiêu.
Ghế nóng ở ĐT Việt Nam là chủ đề được nhiều người quan tâm khi V-League diễn ra.