VFF, ban đạo đức nói gì đi?
Chiều muộn hôm qua 20.8, phía đội bóng Sài Gòn Xuân Thành đã chính thức phát đi công văn có đóng mộc đỏ với tuyên bố: “Dừng thi đấu bóng đá trong giải V-League 2013”. Như vậy, họ đã nói và làm luôn để phản ứng lại quyết định kỷ luật của VFF và những kiến nghị của ban tư vấn đạo đức. Giải V-League bỗng dưng tan hoang khi chỉ còn đúng hai vòng đấu cuối cùng.
Lấy lý do, huấn luyện viên đội Sài Gòn Xuân Thành đã “dám” đưa ra đội hình có đến bảy cầu thủ trẻ thi đấu để rồi thua Kiên Giang là thiếu tôn trọng người hâm mộ. Cộng với trong các báo cáo của ban tư vấn đạo đức nhiều lần đề cập đến các tin nhắn nặc danh dự đoán đúng với kết quả trận đấu có Sài Gòn Xuân Thành thi đấu, khiến có hồ nghi tiêu cực. Dù VPF, nơi điều hành giải đấu đã tuyên bố không thể xử lý một đội bóng khi ban tổ chức nhúng tay vào việc của huấn luyện viên trong việc sắp xếp đội hình. Thế nhưng, trước việc ban tư vấn đạo đức tổ chức họp báo công khai chỉ trích các quyết định của VPF, trong đó có trường hợp Sài Gòn Xuân Thành. VPF đã “chuyền đẹp” khi đưa bản kiến nghị của ban tư vấn đạo đức lên cho ban kỷ luật của VFF.
Trận đấu đầu tiên của Sài Gòn Xuân Thành trên sân Thống Nhất đông nghẹt khán giả cũng lại là trận đấu cuối cùng của họ ở giải đấu đỉnh cao. Hôm qua, Sài Gòn chính thức chẳng còn đội nào chơi ở V-League. Ảnh: Quốc An
Dựa trên các báo cáo này, ban kỷ luật đã phán quyết, trừ Sài Gòn Xuân Thành 4 điểm, tuy nhiên họ không trừ điểm nào của đội Kiên Giang dù trên lý thuyết, Kiên Giang cũng sẽ bị trừ điểm vì được Sài Gòn Xuân Thành “chuyển điểm”. Việc trừ điểm khiến Sài Gòn Xuân Thành đang từ chỗ đương nhiên trụ hạng, rơi vào vòng xoáy phải chống rớt hạng, buộc phải thắng hai trận cuối cùng mới chắc chắn an toàn. Cho rằng, dựa trên tin nhắn nặc danh để kết tội là vô lý, việc trừ điểm là cảm tính ảnh hưởng đến thương hiệu. Lần này, anh em nhà bầu Thuỵ đã quyết định chính thức, giải tán đội bóng, nghỉ chơi bóng đá để phản ứng với VFF, ban tư vấn đạo đức và VPF.
Với việc Sài Gòn Xuân Thành bỏ giải, theo điều lệ các kết quả liên quan đến đội bóng này đương nhiên sẽ bị huỷ. Như vậy, đội bóng Hà Nội T&T nhiều cơ hội sẽ đoạt chức vô địch bởi SLNA mất đi 6 điểm, khoảng cách giữa SLNA và Hà Nội T&T được nới rộng lên đến 4 điểm. Và cũng theo điều lệ, ở mùa giải năm nay, V-League chỉ có một đội xuống hạng, trong trường hợp này Sài Gòn Xuân Thành đương nhiên đã xuống hạng và Kiên Giang đương nhiên trụ hạng?! Giải đấu mà không có đội rớt hạng thì có còn là giải bóng đá đỉnh cao của Việt Nam? Trong trường hợp VFF chọn cách vẫn buộc Kiên Giang đi đá play-off, họ sẽ phải tính tới phương án rất xấu là Kiên Giang cũng bỏ cuộc. Điều này không phải là không thể khi chính đội Kiên Giang đã lên tiếng ngay sau trận thua trên sân Thanh Hoá. Hiện đội Kiên Giang không còn tiền quỹ, cầu thủ không được trả lương, thưởng, đến tiền khách sạn, di chuyển cũng do ông chủ tịch đội bóng phải cầm cố nhà, vay mượn mới đủ xoay xở. Phải thi đấu thêm hai vòng đấu, rồi treo thưởng để trụ hạng ở trận play-off là điều ngoài tầm với về tài chính của Kiên Giang.
Chuyện Sài Gòn Xuân Thành nghỉ chơi bóng đá, suy cho cùng cũng bình thường như việc một doanh nghiệp làm ăn thất bại, đóng cửa để cắt lỗ... Nhưng, nếu một doanh nghiệp đóng cửa như một cách để phản ứng lại những người điều hành lại là câu chuyện khác... Lúc đó, người ta sẽ phải nhìn vào môi trường kinh doanh, năng lực điều hành của người quản lý... |
Giải V-League chính thức tan hoang, và giờ thì người ta đợi những lý giải đầy thuyết phục của VFF và ban tư vấn đạo đức, cũng như những biện pháp khắc phục trong tình hình rối ren này. Câu hỏi vẫn cần được trả lời là, tại sao trừ điểm Sài Gòn Xuân Thành mà không trừ điểm Kiên Giang, vì sao ban tư vấn đạo đức cũng nêu các trường hợp nghi vấn khác như Đồng Nai, Đà Nẵng mà chỉ trừ điểm một mình Sài Gòn Xuân Thành. Và đâu là tính pháp lý khi quy lỗi cho một đội bóng chỉ dựa vào những tin nhắn rác. Làm sao để một án phạt thật sự khiến cả người hâm mộ lẫn đội bóng cảm thấy tâm phục khẩu phục...
Chỉ biết rằng, có vẻ như VFF đang “cuống” thật sự khi ông chủ tịch doạ rằng nếu Sài Gòn Xuân Thành bỏ cuộc, các cầu thủ trong đội cũng phải chịu trách nhiệm như bị treo giò trong thời gian nhất định. VFF quên rằng, các đội bóng hiện là các doanh nghiệp và khi ông chủ đội bóng giải thể doanh nghiệp, các cầu thủ là những người lao động đương nhiên phải đi tìm việc mới. Chẳng ai có quyền cấm họ tìm việc và họ cũng chẳng có lỗi gì nếu không nói, họ là những người lao động đáng thương. Trước mắt, V-League rối loạn, Sài Gòn không còn đội bóng đỉnh cao. Thế đã đủ chưa?!