Vết nhơ ở V-League 2017
Chuyện trợ lý HLV CLB Hải Phòng Lê Sỹ Mạnh xông vào tận phòng thủ môn Đặng Văn Lâm để hành hung cầu thủ này chỉ vì lý do “nó dám hỗn với đồng đội” thực sự là vết nhơ ở V-League 2017, bởi chẳng có đội bóng chuyên nghiệp nào mà HLV lại được phép sử dụng tay chân để ứng xử với cầu thủ.
Không những thế, sau khi hành hung Văn Lâm dẫn tới việc cầu thủ này bị chấn thương lật cổ chân trong quá trình chạy trốn và phải gấp rút rời khỏi CLB ngay lập tức vì sự an toàn của bản thân, Sỹ Mạnh không hề có thái độ ăn năn hối hận mà còn lên Facebook cá nhân để thách thức Văn Lâm và cả cộng đồng mạng bằng những lời lẽ hết sức giang hồ.
Tất nhiên CLB Hải Phòng không thể dung thứ một trợ lý HLV như vậy trong BHL và việc Sỹ Mạnh bị sa thải là kết quả tất yếu, nhưng điều đáng nói ở đây là tại sao một người có rất nhiều tì vết từ khi còn là cầu thủ như Sỹ Mạnh lại được đưa lên làm trợ lý HLV, tức là vị trí của người thầy, để rồi anh ta gây nên một sự cố làm tai tiếng cho cả V-League.
Sỹ Mạnh (áo xanh) bị trọng tài truất quyền làm nhiệm vụ vì có lời lẽ thô tục với trọng tài ở trận Cần Thơ – Hải Phòng tại V-League 2016. Ảnh: Dương Thu.
Nói thế là bởi Văn Lâm không phải là người đầu tiên bị Sỹ Mạnh hành hung, vì ở mùa bóng 2009, sau một cuộc nhậu nhẹt tuý luý với cựu thủ môn Dương Hồng Sơn, Sỹ Mạnh từng tìm lên tận phòng để hành hung cả 2 cầu thủ đàn anh ở T&T Hà Nội là Minh Đức và Hồng Minh, khiến cả V-League phải xôn xao. Còn năm ngoái, trong vai trò trợ lý HLV, Sỹ Mạnh từng bị đình chỉ làm nhiệm vụ 3 trận vì có lời lẽ thô tục với trọng tài ở trận Hải Phòng làm khách trên sân Cần Thơ ở cuối mùa bóng 2016.
Xâu chuỗi lại sự kiện như thế để thấy từ góc độ chuyên môn thuần tuý thì Sỹ Mạnh khó lòng thích hợp cho vai trò người thầy ở CLB Hải Phòng, đấy còn chưa kể tới những câu chuyện tai tiếng bên ngoài sân cỏ của Sỹ Mạnh mà chúng tôi không tiện nêu lên ở đây.
Vì vậy, chuyện Sỹ Mạnh lao vào phòng Văn Lâm để hành hung thủ môn Việt kiều này gần như là điều phải đến đã đến mà thôi, bởi tài năng sân cỏ của Sỹ Mạnh thì chưa được thể hiện nhiều, nhưng hầu như ở đội bóng nào thì cựu cầu thủ này cũng được biết tới với biệt danh “ngựa chứng”.
Có ý kiến cho rằng Văn Lâm sau khi lên ĐTQG và được trao vị trí số một trong khung thành đã mắc bệnh sao, không còn tôn trọng đồng đội như khi chưa có “số má”, và thực tế ở trận Hải Phòng – B.Bình Dương vào cuối tuần vừa qua, Văn Lâm đã có vài lần la hét các đồng đội ở hàng phòng ngự và bản thân thủ môn này cũng mắc lỗi trong bàn thua thứ 2 của đội nhà, khiến Hải Phòng chịu thất bại 0-2 ngay tại sân Lạch Tray.
Chuyện Văn Lâm có mắc bệnh sao hay không thì thật sự rất khó nói, nhưng kể cả Văn Lâm thật sự đã thay đổi theo hướng tiêu cực như vậy thì ở CLB Hải Phòng chỉ có HLV trưởng Trương Việt Hoàng mới có thẩm quyền xử lý việc này, và tất nhiên là ngay cả ông Hoàng cũng không có quyền sử dụng chân tay để nói chuyện với Văn Lâm, như cách mà Sỹ Mạnh đã làm.
Còn việc thủ môn la hét chỉ huy các đồng đội ở hàng phòng ngự là điều hết sức bình thường, bởi thủ môn là chốt chặn cuối cùng, là người có tầm nhìn bao quát nhất so với các cầu thủ còn lại ở tuyến phòng thủ nên đương nhiên phải có trách nhiệm nhắc nhở các đồng đội.
Bản thân cựu thủ môn Dương Hồng Sơn khi nhận xét về Văn Lâm cũng cho rằng việc Văn Lâm tích cực liên lạc với đồng đội như vậy là rất đúng với phong cách của thủ môn hiện đại, và ở V-League hiện nay không có nhiều thủ môn làm được như Văn Lâm. Vì thế, theo Dương Hồng Sơn, ngoài ưu thế về thể hình (cao 1m88) thì đây là một trong những ưu điểm khiến Văn Lâm được tin tưởng giao phó vị trí số một trong khung gỗ ĐTQG.
Thế mà chỉ vì năng nổ la hét, chỉ huy đồng đội ở hàng phòng ngự mà cuối cùng Văn Lâm lại bị gán cho cái tiếng là “láo”, “hỗn”, để rồi cuối cùng chấn thương lãng xẹt mắc phải trong quá trình chạy trốn cơn thịnh nộ của Sỹ Mạnh đã khiến Văn Lâm phải ngồi chơi xơi nước ít nhất trong nửa tháng tới, và gần như chắc chắn không thể khoác áo ĐTQG thi đấu với ĐT Campuchia vào tháng sau.
Nguyên nhân của tất cả sự việc này phải chăng chỉ là vì CLB Hải Phòng đã lựa chọn nhân sự không thích hợp cho một vị trí được xem như người thầy?