Vén màn bí mật vụ Đặng Văn Lâm đối đầu Muangthong United
Mâu thuẫn giữa thủ thành Đặng Văn Lâm (Việt Nam) và CLB Muangthong United (Thái Lan) vẫn chưa có dấu hiệu sẽ được hóa giải.
Thủ thành Đặng Văn Lâm vướng vào những xung đột với CLB Muanthong United
Ai cũng có cái lý của mình nhưng dường như thủ thành tuyển Việt Nam đang mất nhiều hơn được trong cuộc đối đầu này.
Đặng Văn Lâm chỉ có 30% thắng lợi
Suốt những ngày qua, câu chuyện về tương lai của Đặng Văn Lâm tại Thái Lan tốn nhiều giấy mực của truyền thông trong nước cũng như sự quan tâm của dư luận.
Sóng gió bắt đầu nổi lên từ sau thông tin thủ thành số 1 Việt Nam đã đạt thỏa thuận gia nhập CLB Cerezo Osaka (Nhật Bản). Liền đó, CLB Muangthong United yêu cầu thủ thành sinh năm 1993 trở lại tập luyện nếu không muốn bị phạt.
Đáp trả thông báo của đội bóng Thái Lan, người đại diện cho Đặng Văn Lâm - Andrey Grushin tuyên bố thân chủ của ông đã đơn phương chấm dứt hợp đồng, trở thành cầu thủ tự do.
Nguyên nhân dẫn tới việc này là bởi Muangthong United vi phạm các điều khoản tài chính, cụ thể là nợ lương 2 tháng.
Phía Muangthong United ngay lập tức phủ nhận việc này và tuyên bố sẽ kiện Andrey lên FIFA bởi đã làm tổn hại hình ảnh của họ.
Bên cạnh đó, nhà cựu vô địch Thai League khẳng định, nếu Văn Lâm không trở lại tập luyện và đưa ra lời xin lỗi, họ cũng sẽ áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền lợi. Đáng tiếc, tuyển thủ Việt Nam vẫn im lặng, thậm chí cắt liên lạc với đội bóng chủ quản.
Thông qua trang Facebook cá nhân cũng như một vài tờ báo, Andrey Grushin tuyên bố, ông và thân chủ của mình sẵn sàng “đấu” với Muangthong United về mặt pháp lý.
Dẫu vậy, theo ông Nguyễn Minh Châu, người có gần 20 năm kinh nghiệm làm môi giới cầu thủ, nhìn tổng thể, phe Đặng Văn Lâm đang thất thế hoàn toàn và chỉ có khoảng 30% cơ hội giành chiến thắng.
“Tôi từng làm việc với Muangthong United, bộ phận pháp lý của họ có tới 8 người, phân chia các công việc khác nhau như luật lao động sở tại, tài chính, luật FIFA… và điểm chung là đều rất giỏi. Khi họ nói kiện lên FIFA tức là họ tự tin với những gì đang có trong tay. Ở đây, Văn Lâm bất lợi ở chỗ anh ta tự ý bỏ tập, vi phạm kỷ luật, bằng chứng cho thấy sự thiếu chuyên nghiệp”, ông Châu nói.
Cũng theo ông Châu, Muangthong United không hề nợ lương cầu thủ. Họ trả chậm vào thời điểm khó khăn do dịch Covid-19, Liên đoàn bóng đá Thái Lan yêu cầu tất cả các đội bóng giảm lương từ 30 - 50% các cầu thủ.
Bối cảnh như vậy đương nhiên đội bóng Thái Lan cần tính toán, đàm phán cùng cầu thủ nên hoàn toàn có thể thông cảm cho việc chậm trễ. Ngay cả khi nếu cho đó là vi phạm thì cầu thủ cần làm việc trực tiếp với CLB để tìm cách xử lý chứ không nên bỏ tập.
Theo luật FIFA, khi CLB không trả lương hai tháng đúng hẹn cho cầu thủ, cầu thủ sẽ có yêu cầu bằng văn bản gửi CLB đề nghị thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đúng như thỏa thuận. Nếu trong vòng 15 ngày, CLB không đáp ứng được thì cầu thủ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Tuy nhiên, Giám đốc điều hành CLB Muangthong United chia sẻ, Văn Lâm và người đại diện chỉ hai lần gửi email đòi hủy hợp đồng. Luật FIFA còn quy định, nếu cầu thủ tự ý chấm dứt hợp đồng trái quy định thì sẽ phải bồi thường bằng tiền mặt cho các thiệt hại mà CLB phải hứng chịu và có thể bị cấm thi đấu từ 4 - 6 tháng.
Chưa có thỏa thuận nào với Cerezo Osaka?
Có một chi tiết khá thú vị trong cuộc đối đầu giữa Đặng Văn Lâm và Muangthong United, đó là cầu thủ Việt Nam không muốn ngồi dự bị cho Yos Somporn nên tìm đường ra đi, còn đội bóng Thái Lan cũng muốn bán anh để thu hồi vốn do chỉ còn khoảng 1 năm hợp đồng.
Vậy tại sao phía thủ thành sinh năm 1993 lại tìm cách đơn phương chấm dứt hợp đồng trước khi đàm phán với CLB khác để chuốc lấy rắc rối?
“ Muangthong United cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi sự việc tranh chấp với Đặng Văn Lâm. Các cầu thủ giỏi khi muốn đầu quân cho họ sẽ nghi ngờ về năng lực tài chính thực sự mà đội bóng đang sở hữu. Mặc dù vậy, Muangthong United vẫn đang đứng cửa trên so với Văn Lâm nếu mọi chuyện phải nhờ tới FIFA can thiệp. Ông Phan Huy Hoàng, nhà môi giới từng làm việc cả ở Thái Lan, Nhật Bản và Việt Nam ” |
Ông Phan Huy Hoàng, nhà môi giới thể thao từng làm việc cả ở Thái Lan, Nhật Bản và Việt Nam nhận định: Chắc chắn người đại diện và Văn Lâm muốn ôm trọn số tiền chuyển nhượng cầu thủ này.
Về nguyên tắc, nếu Văn Lâm còn thuộc biên chế Muangthong United thì đội bóng Thái Lan sẽ hưởng toàn bộ tiền chuyển nhượng anh, người đại diện chỉ có chút ít hoa hồng.
Ngược lại, khi trở thành cầu thủ tự do, tiền chuyển nhượng sẽ chảy vào túi người đại diện và cầu thủ. Đây là lý do khiến phía Văn Lâm muốn trở thành cầu thủ tự do trước rồi mới đàm phán tìm CLB mới.
Ông Nguyễn Minh Châu đồng tình với quan điểm này và cho rằng đó là cách làm không có tâm và thiếu khôn ngoan.
Theo ông Châu, trên thế giới, thường cầu thủ khi gần hết hợp đồng và muốn lấy phí chuyển nhượng thay vì để lọt vào tay CLB chủ quản thì sẽ tìm mọi cách ở lại tới hết mùa, đồng thời đàm phán song song khi hợp đồng chỉ còn 6 tháng, ký ghi nhớ với đội bóng muốn đầu quân. Hợp đồng ghi nhớ phải kèm điều khoản đội bóng đó không chiêu mộ thì phải đền bù ra sao.
“Đây là điều được FIFA cho phép. Đương nhiên ký theo cách này cầu thủ sẽ phải giảm một chút lương nhưng rất an toàn, chắc chắn, chuyên nghiệp và đặc biệt không làm ảnh hưởng tới hình ảnh của mình”, ông Châu nói thêm.
“Người đại diện của Đặng Văn Lâm có vẻ chưa am tường hết về bóng đá Đông Nam Á nên mới hành xử như vậy. Tại đây, do cầu thủ còn kém chuyên nghiệp nên trong hợp đồng thường có những ràng buộc rất kỹ càng. Hồi mới mở cửa, nhiều CLB Thái Lan mất tiền oan vì các lỗ hổng pháp lý. Sau này, các CLB được Liên đoàn bóng đá Thái Lan hỗ trợ về mặt pháp lý khi ký hợp đồng với cầu thủ để không bị thiệt thòi”, nhà môi giới cầu thủ cho hay.
Trở lại với câu chuyện hình ảnh, ông Phan Huy Hoàng nhấn mạnh, việc Văn Lâm cùng người đại diện hành xử thiếu chuyên nghiệp sẽ khiến chính cầu thủ sinh năm 1993 gặp khó khăn trong việc tìm kiếm bến đỗ mới.
“Các đội bóng lớn khi tuyển quân đều tìm hiểu rất kỹ, cầu thủ ngoài tài năng phải có kỷ luật và đạo đức tốt. Với Văn Lâm, họ hoàn toàn có quyền đặt câu hỏi, liệu khi họ chậm lương hoặc không khiến cầu thủ này hài lòng thì họ sẽ đối diện tình huống giống Muangthong United hay không”.
Quan trọng hơn, theo ông Phan Huy Hoàng, tính đến nay CLB Cerezo Osaka chưa từng ký bất kỳ thỏa thuận chính thức nào với Đặng Văn Lâm và người đại diện.
“Tôi tìm hiểu thì được biết Andrey Grushin giới thiệu với Cerezo Osaka là có một thủ môn tốt, đang chơi ở Thái Lan, tất cả chỉ mới dừng lại như vậy. Còn thông tin Văn Lâm đạt thỏa thuận gia nhập đội bóng Nhật Bản nhiều khả năng là do người đại diện tung ra nhằm thu hút các CLB đang quan tâm tới thân chủ anh ta nhảy vào cuộc tranh chữ ký cầu thủ này với mức phí cao. Đây thực chất chỉ là chiêu bài người đại diện hay sử dụng trong chuyển nhượng”, ông Hoàng phân tích.
VFF sẽ đứng ngoài cuộc? Trả lời cho câu hỏi Liên đoàn bóng đá Việt Nam có sẵn sàng trợ giúp Đặng Văn Lâm về mặt pháp lý, một lãnh đạo tổ chức này cho hay, thông thường, hợp đồng giữa cầu thủ và CLB là thỏa thuận dân sự giữa đôi bên. Cả CLB và cầu thủ đều có người đại diện được quy định trong hợp đồng. “Khi xảy ra tranh chấp hoặc xung đột giữa hai bên thì người đại diện sẽ đứng ra giải quyết. Với bóng đá chuyên nghiệp, CLB hay đại diện cầu thủ đều có những bộ phận hỗ trợ xử lý các vấn đề liên quan chứ thường không có sự trợ giúp từ bên thứ ba”, vị này nói. |
Nguồn: [Link nguồn]
Theo ước tính từ website chuyển nhượng Transfermarkt, ngôi sao khoác áo HAGL chính là tuyển thủ quốc gia Việt Nam tăng giá "khủng"...