Vé ế, ông bầu và bóng đá
Trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và Manchester City khó mà nói được các cầu thủ Việt Nam đã lĩnh hội được gì từ các siêu sao. Tuy nhiên người ta có thể nói chắc, đây là một thương vụ làm ăn và thương vụ này “hình như là”... chưa thành công.
Học... thua
Sẽ là quá lời nếu như nói việc mời các đội bóng ngoại hạng sang Việt Nam là để giúp bóng đá Việt Nam phát triển vượt bậc. Nói vậy là bởi, nếu nhìn vào cách chơi khá nhàn nhưng vẫn thắng dễ, thắng đậm của Manchester City thì rõ.
Và rằng, nếu nhìn lại những lần giao hữu trước đây, có lẽ việc học hỏi sẽ mang đậm ý nghĩa hơn, như các câu lạc bộ Porto B, Barca B hay trước đó là Juventus đã từng sang Việt Nam. Nói vậy là vì, ngày Juventus sang Việt Nam, ngoài 4 cầu thủ từng vô địch Champions League, phía Juve đã tung vào sân các cầu thủ trẻ, trình độ không quá cao siêu so với các tuyển thủ Việt Nam thời ấy, việc học nghề dễ hơn hẳn khi thế trận không quá chênh lệch.
Sterling (phải) và đồng đội đã có màn “hành hạ” mành lưới ĐTVN trong trận giao hữu tối 27/7. Ảnh: Như Ý
Tương tự như vậy, Porto B hay Barca B đưa đội hình hạng 2 của họ sang Việt Nam thi đấu ở giải giao hữu có phân định thứ hạng. Việc này đồng nghĩa với chuyện, họ phải tranh chấp thắng thua chứ không chỉ đơn giản là sang biểu diễn kiểu “dày vò” mành lưới đối thủ như Manchester City đã làm với đội tuyển Việt Nam.
Thậm chí, cũng là giao hữu chỉ với một trận duy nhất, nhưng những cầu thủ đến từ xứ sở Samba của Olympic Brazil chơi trên sân Mỹ Đình cũng tận tình hơn bởi lẽ, họ chuẩn bị cho trận đánh lớn tại Olympic Bắc Kinh khi ấy.
Nói về chuyện học, ở những trận đấu kiểu như gặp Manchester City, các tuyển thủ của Việt Nam sẽ học được cách thua... không nản.
Không thắng về thương vụ
Chuyên môn thì khỏi bàn cho nó đỡ nhọc, nhưng thương vụ mời Manchester City qua Việt Nam e rằng cũng khó mà nói rằng thành công về mặt kinh tế. Dẫu biết rằng, chuyện mời Man Xanh qua Việt Nam nằm trong một kế hoạch kinh doanh, gồm cả chuyện phát hành thẻ liên kết như cách BIDV đã từng làm với M.U.
Tuy nhiên, để coi là thành công phải đánh giá cả một hành trình từ đầu đến cuối khi Man Xanh bắt đầu đặt chân tới Việt Nam. Rất tiếc, khi mà Arsenal hay chỉ là cầu thủ về hưu như Beckham đến Việt Nam để quảng cáo sản phẩm, lượng người hâm mộ vật vã, chen lấn thậm chí làm mọi cách để được tiếp cận lại đông hơn nhiều so với số lượng người “được coi là” fan của Man Xanh chào đón đội bóng này.
Thêm vào đó, hiệu ứng truyền thông lần này dường như “đa chiều” hơn hẳn. Nếu những lần trước chỉ có hào hứng, chỉ có khen, chỉ có thân thiện thì lần này, người ta còn thấy cả những lời chỉ trích. Hình ảnh một thanh niên quyết định đốt 10 chiếc vé vào sân chỉ vì tin rằng các cầu thủ Manchester City không thân thiện là một minh chứng rõ ràng nhất.
Cuối cùng, khi mà những tấm vé vào sân trong trận đấu Arsenal, Olympic Brazil thậm chí là ở giải quốc tế U19 là niềm mơ ước, hãnh diện của nhiều người thì chuyện vé phải hạ đến 50 % giá vẫn không “đẩy” đi được, sân vẫn còn chỗ trống đã khiến người mạnh miệng nhất cũng chẳng dám nói, sự kiện Manchester City qua Việt Nam là thành công.
Nói vậy để thấy, đây chỉ là một phi vụ làm ăn, mà làm ăn thì có lời có lỗ. Vậy nên nâng tầm lên thành vì bóng đá Việt, giúp bóng đá Việt e rằng khó.
Nếu “thương vụ Manchester City” không thành công thì cũng không thể phủ nhận những đóng góp của bầu Hiển cho bóng đá Việt Nam. Ông Hiển cũng như các ông bầu bóng đá khác, như bầu Thắng (Đồng Tâm Long An), bầu Đức (HA.GL)…đến với bóng đá bằng cả lý trí và con tim. Sẽ là không công bằng khi đòi hỏi doanh nghiệp cống hiến cho bóng đá chỉ bằng tình yêu thuần khiết. |