Về bản tổng kết của VPF: Bán sản phẩm lỗi
Nếu như ở mùa 2012, VPF rất hồ hởi với bản tổng kết thì sau mùa này, họ không còn để lại nhiều dấu ấn chuyên môn ngoài phần thu về tiền bạc theo kiểu lấy mỡ nó rán nó…
Bản thu hoạch của VPF sau một mùa giải nói nhiều đến phần thu với con số tổng hơn 89 tỉ đồng và chi hơn 85 tỉ đồng, còn dư hơn 4 tỉ đồng. Nói VPF làm ăn có lãi không sai nhưng nếu tính kỹ thì lại chẳng khác gì lấy mỡ nó rán nó lẫn trông đợi vào khả năng đi xin hơn nhiều vốn tự có.
Con số thu đầy tự tin của VPF trong đó hơn một nửa (50 tỉ đồng) do chính ông Phó Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng lẫn của VPF kêu gọi Eximbank tài trợ tổ chức các giải đấu. Nó mong manh và chông chênh đến mức có khi bực bội vì sự yếu kém của các nhà làm giải, ông Dũng từng dọa không tài trợ khiến nhiều người xanh mặt.
Khoản thu còn lại của VPF nhờ vào sự cam kết từ trước đây của Hội đồng Bảo trợ bóng đá Việt Nam gồm các doanh nghiệp lớn năm ngoái dự thu 50 tỉ đồng, giờ chỉ còn 15 tỉ đồng lại của ông Lê Hùng Dũng và bầu Thắng, bầu Đức. Ngoài ra là vốn đóng góp của các cổ đông lẫn lệ phí tham dự giải của 20 đội bóng (mỗi đội 500 triệu đồng)…
VPF cam kết nguồn thu cho mùa bóng 2014 sẽ bảo đảm chi phí tổ chức nhưng đấy chỉ là phần nổi của việc đi xin tài trợ hay mỗi đội góp một tay hoặc các ông bầu tự bỏ tiền túi ra chơi mà không phải việc tự thân bóng đá trở thành một sản phẩm bán cho khách hàng.
Mùa giải 2013 Eximbank đã “giúp” VPF cân đối tài chính từ việc tổ chức giải nhờ những khoản tài trợ lớn. Ảnh: XUÂN HUY
Rất nhiều các chuyên gia khi nhìn nhận về việc tổ chức và điều hành các giải đấu một cách chuyên nghiệp lẫn bàn cách làm ăn có lãi từ bóng đá vẫn chỉ ra những hình thức chung chung mà không lấy gì bảo đảm nó sẽ thành công. Ngay cả các thành viên của VPF cũng làm việc theo kiểu đến hẹn lại lên và có thể tạo ra một vài sự đồng thuận về cải cách nhưng nhìn chung vẫn theo lối mòn thời của VFF nắm quyền tổ chức. Những tồn tại của làng bóng không khác gì xuất phát của năm đầu tiên làm chuyên nghiệp cho đến mùa thứ 13 vẫn như cũ.
Rõ nhất là nhiều sân gọi khán giả vào không bán vé thì hô hào người xem đông, còn nhiều CLB nợ nần chồng chất để cầu thủ vất vả đòi nợ hoặc CLB giải tán như sung hay những ông chủ thích thì chơi, buồn thì bỏ đội…
Thế nên việc nâng cao chất lượng của các giải đấu vô địch Việt Nam để trở thành một sản phẩm bán được đã không phải là phần thu cần thiết và đúng đắn của bóng đá chuyên nghiệp.
Bài toán lời từ sản phẩm lỗi thật đáng lo.
Ở mùa giải này, VPF đã tính đến nhiều phương án kinh doanh có lãi thực chất chứ không phải từ đi xin. Việc đầu tiên là ông Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng đích thân sang Nhật mời chuyên gia Tanabe về khảo sát V-League và một trong những yếu tố đầu tiên ông mong muốn là trả bóng đá về cho người yêu bóng đá với nguồn lực tài chính từ các doanh nghiệp địa phương… Tiếc là ông Tanabe mới chỉ vẽ ra con đường làm bóng đá chuyên nghiệp nửa đường thì đổ bệnh nên không còn đồng hành với VPF nữa. |