VĐV tiêu biểu 2013: Bóng đá lại mất mùa
Ngày 22.1, Báo Thể Thao Việt Nam tổ chức bầu chọn VĐV tiêu biểu năm 2013. Đây là lần thứ hai liên tiếp những cái tên trong danh sách bóng đá gần như không được đếm xỉa tới…
Thước đo chính của năm 2013 là SEA Games và đáng tiếc là ở SEA Games 27 bóng đá nam thì bị loại sớm, còn bóng đá nữ lại không bảo vệ được ngôi hậu. Đấy là lý do khiến những tên tuổi bóng đá gần như đã không có chỗ đứng trong danh sách VĐV tiêu biểu của năm.
Qua đó lại thấy giật mình khi bóng đá Việt Nam trong hai năm qua, khi chen chân vào danh sách VĐV tiêu biểu của năm, người hâm mộ không tìm thấy thần tượng ở môn thể thao vua. Thay vào đó là những thước phim quay chậm về các cầu thủ U19, về lứa “gà nòi” của bầu Đức. Thậm chí là để tìm một vị trí an ủi trong cương vị thần tượng, người ta lại chọn ông bầu đang nuôi lứa “gà chọi” để bán và lứa đấy chưa ra trường nhưng lại là cứu cánh của bóng đá Việt Nam năm 2013.
Bây giờ nếu đặt câu hỏi: Nếu bạn là người được chọn VĐV tiêu biểu thì ở môn bóng đá bạn chọn ai?
Chắc chắn rất rất nhiều người không thể chọn. Hoặc gắng gượng để tìm một cái tên thì cũng vò đầu bứt trán rồi lại lắc đầu vì bóng đá Việt Nam 2013 không đọng lại những dấu ấn từ đội tuyển xuống đến U23, U22, U21 và các CLB dự V-League, hạng Nhất thì làm gì có một cái tên tiêu biểu.
Lùi xa hơn nhiều năm trước khi bầu chọn VĐV tiêu biểu hàng năm, giới hâm mộ còn thấy được những cái tên như Phạm Văn Quyến, hay Lê Công Vinh... hoặc Văn Thị Thanh… chen chân giữa rừng VĐV thể thao. Nay thì bói ra một cái tên rõ là đến khổ.
Phải thừa nhận là năm 2013, bóng đá Việt Nam thật khủng hoảng và việc không tìm ra thần tượng hay không tìm nổi những cái tên cho danh sách VĐV tiêu biểu lại không phải là lỗi cầu thủ. Nó là lỗi hệ thống của một nền bóng đá chỉ “ăn quẩn cối xay” với nhiều lần cứ sa lầy ở cái ao làng SEA Games mà chẳng ngóc đầu lên được.
Sau nhiều thế hệ cầu thủ từ lứa Huỳnh Đức, Minh Chiến, Hữu Đang, Quốc Cường, Công Minh, Hữu Thắng, Văn Sỹ Hùng… mọi người vẫn ao ước các thế hệ cầu thủ sau sẽ vượt qua lớp trước. Thế nhưng đã có lần nhiều người xem lứa cầu thủ dự SEA Games 22 – 2003 trên sân nhà của Văn Quyến là thế hệ hơn vàng. Nay thì toàn bộ thế hệ đó chỉ còn mỗi Văn Quyến lo mất việc ở V. Ninh Bình.
Bóng đá nữ cũng không thành công ở SEA Games vừa qua
Vì sao các thế hệ cầu thủ sau chỉ thích hưởng thụ hơn cống hiến?
Có phải vì họ kiếm tiền quá dễ dàng đã khiến cho hàng loạt cầu thủ lẽ ra phát triển tốt, nhưng đã nhanh chóng “lẫn trong đám đông”. Và nhìn vào các CLB, hiện chỉ còn vài đội bóng duy trì được hấp lực như Sông Lam Nghệ An hay SHB Đà Nẵng... Còn lại rất nhiều đội bóng rải tiền ra nhưng không phải để phát triển bóng đá mà là để đồng tiền quay vòng từ túi này sang túi khác, hoặc để hợp thức hóa các khoản chi của những công ty khác muốn mượn bóng đá để “giải ngân”.
Ngay cả các nhà quản lý bóng đá bây giờ cũng nhàn nhạt. Họ nhạt bởi bộ máy lãnh đạo LĐBĐVN đứng đầu bởi một người thiếu dũng khí đến độ sắp đến lúc đánh trận thì chọn giải pháp nghỉ hưu kéo theo hàng loạt những kế hoạch cũng hưu theo và một đội U23 “nghỉ hưu” nốt.
U23 Việt Nam năm 2013 không có cái tên nào làm cho người hâm mộ “phát cuồng”, trong khi người dẫn dắt thì lại chịu quá nhiều lệ thuộc đến độ bị “trảm” rồi được xóa mà vẫn “cười vui như Tết”… Thậm chí cả ông cựu trưởng đoàn bị sa thải thế mà vẫn tìm cách mon men rồi giờ chót lại thấy chui vào khu kỹ thuật đội U23…
Năm 2013 nhiều người cứ lấy khủng hoảng kinh tế làm mẫu số chung để bao biện cho những cuộc chia tay với bóng đá của nhiều tổ chức và ông bầu. Tuy nhiên cái chính mà không ai dám dũng cảm thừa nhận đó là niềm tin vào cơ quan quản lý và điều hành bóng đá khiến nhiều người không tìm thấy lối ra.
Bóng đá năm 2013 không có VĐV tiêu biểu trong danh sách vàng của thể thao Việt Nam là một thực tế sau một chu kỳ mà bóng đá được đầu tư rất nhiều như một anh trọc phú không biết xài tiền.
Bây giờ lại thấy lo cho năm 2014 sẽ bước vào vết xe đổ bởi nền tảng để lại của một nền bóng đá là đào tạo trẻ thì cả nước lại chỉ chăm chăm vào một lứa U19 của một ông bầu đổ tiền làm bóng đá để… xuất khẩu cầu thủ.
Và thế là cả làng lại ôm vào lứa cầu thủ đấy như những người chết đuối vớ được phao và mong tồn tại đến Đại hội VII rồi lại “lên bè, lên xuồng và chèo chống”…