Vắt sức cầu thủ vì tiền bản quyền truyền hình
BTC giải Ngoại hạng Anh đang nghiên cứu phương án đẩy một số trận đấu lên đá giữa trưa chủ nhật (giờ địa phương).
Cụ thể, dự thảo gói bản quyền truyền hình Ngoại hạng Anh trong 3 năm tiếp theo, bắt đầu từ mùa giải 2019-2020 sẽ có 22 trận đấu mỗi mùa được truyền hình trực tiếp vào khung giờ 11h30 (giờ địa phương). Tuy vấp phải sự phản đối từ các CLB, người hâm mộ Anh nhưng nhiều khả năng phương án này vẫn sẽ được áp dụng nhằm hút khán giả châu Á.
Các ngôi sao sẽ bị vắt kiệt sức
Từ lâu, thị trường châu Á luôn được các đội bóng Anh coi trọng. Chẳng phải bỗng nhiên hè nào các ông lớn Ngoại hạng Anh đều cất công sang châu Á du đấu. Với dân số trẻ, người hâm mộ châu Á đặc biệt thích giải đấu có giá trị giải trí cao như Premier League. Thế nên, việc nhà tổ chức Ngoại hạng Anh tìm cách thu hút thêm lượng khán giả ở châu Á là điều dễ hiểu.
Mặc dù vậy, nó sẽ khiến giải đấu cao nhất xứ sương mù vốn quá khắc nghiệt thêm phần ngột ngạt. Ngoại hạng Anh theo đuổi triết lý bóng đá tốc độ, thể lực, cộng thêm lịch thi đấu gần như không có kỳ nghỉ đông nên cầu thủ gần như phải vắt kiệt sức. Nếu tiếp tục phải cày ải vào buổi trưa, thật khó hình dung thể trạng cầu thủ sẽ bị bào mòn tới mức nào.
Vấn đề nằm ở chỗ, việc bố trí lịch thi đấu không nghỉ hay thi đấu giữa trưa chẳng thể nâng chất lượng Ngoại hạng Anh. Có vẻ như, BTC Ngoại hạng Anh ngày một sa đà vào tính giải trí mà bỏ bẵng đi vấn đề chuyên môn, yếu tố tiên quyết đánh giá thành công của một giải đấu.
Vài năm trở lại đây, các CLB Anh thường thất thế ở Champions League khi đặt cạnh Serie A, Bundesliga, La Liga và thậm chí là Ligue 1. Không thể đổ lỗi do lực lượng bởi Ngoại hạng Anh vẫn quy tụ nhiều ngôi sao hàng đầu thế giới. Cũng chẳng thể đổ lỗi do kinh nghiệm bởi Man City, Chelsea, Arsenal... đã nhẵn mặt nơi trời Âu.
Mùa giải năm ngoái, HLV Jose Mourinho từng phàn nàn rất nhiều về việc BTC sắp xếp lịch thi đấu thiếu hợp lý, làm khó MU khi tranh tài tại Europa League. Tuy nhiên, nhà tổ chức chẳng hề bận tâm, Quỷ đỏ vẫn phải thi đấu vào ngày đẹp, giờ đẹp để kéo khán giả ngồi trước màn hình tivi.
Nếu MU không vô địch Europa League, “người đặc biệt” hẳn sẽ còn tích cực “lên án” BTC Ngoại hạng Anh. Mà chẳng cứ cấp độ CLB, ĐT Anh cũng thường thi đấu thiếu nét khi tranh tài tại Euro hay World Cup. Thế mới thấy rằng, cầu thủ khi thể lực hao mòn giống như việc bị đeo chì vào chân, khó đạt được phong độ tốt nhất. Nếu muốn các CLB Anh, ĐT Anh khởi sắc, BTC Ngoại hạng Anh nên bớt những chiêu trò câu khán giả nhưng vắt sức cầu thủ.