Văn Quyến và câu chuyện đào tạo trẻ
Hai bàn thắng mà Văn Quyến ghi được ở trận đấu gặp Hoàng Anh Gia Lai tại bán kết cúp quốc gia hôm thứ tư 11.7, khiến người hâm mộ phấn khích vô cùng. Lâu lắm rồi họ mới được chứng kiến những bàn thắng đẳng cấp và ngẫu hứng đến vậy. Nhưng sao cứ mãi là Quyến mới có thể mang lại niềm vui đến vậy.
Hai bàn thắng của Quyến đưa Ninh Bình vào trận chung kết cúp quốc gia nhắc người hâm mộ nhớ nhiều điều. Và người ta có thể kể ra ngay, ở bàn thắng đầu tiên đặc điểm sút phạt không cần chạy đà của Quyến ngày nào đã được tái hiện. Ở bàn thắng thứ hai, đó là sự tinh tế, tinh quái và cả ngẫu hứng mà chỉ có Quyến mới có, Công Vinh, Việt Thắng hay sau này là Anh Đức, Quang Hải đều sút bóng với kiểu “chắc cú” hơn nhiều.
Thậm chí, những lời bình luận của khán giả trên mạng còn gọi đó là những bàn thắng đẳng cấp quốc tế, có người còn làm cả thơ tặng Quyến. Cái danh thần đồng ngày nào lại tiếp tục nhắc đến dù, nó đã cách xa Quyến đến hàng chục năm rồi.
Và vì sao mọi người vẫn cứ phải nhìn chuyện Quyến cố gắng thế nào đến đau đáu. Vì sao mọi người cứ phải chờ đợi những bàn thắng của Quyến để rồi ồ lên đầy sung sướng. Có lẽ vì đã quá lâu rồi ở các giải đấu quốc nội, những bàn thắng đẹp thuộc về các chân sút đến từ nước ngoài. Anh Đức của Bình Dương vẫn ghi bàn khá đều nhưng, thử hỏi mấy người nhớ chính xác điểm nổi trội của những bàn thắng mà Anh Đức ghi được là gì. Tương tự như vậy, Công Vinh cũng có số lượng bàn thắng hơn hẳn Văn Quyến, nhưng số đông bàn thắng được ghi ở những trận đấu với đội chiếu dưới, như trận Sông Lam đè bẹp Đồng Tâm Long An đến tám bàn thắng. Và như các tiền đạo ở đội tuyển khác, mấy ai nhớ và tìm ra được bàn thắng nào của Vinh, Quang Hải có điểm nhấn nào chỉ của riêng họ.
Nhìn các cầu thủ U17 của PVF ăn mừng, người hâm mộ vui lây vì chí ít đã thấy được những tia hy vọng
Văn Quyến vẫn tiếp tục được nhớ đến còn bởi lẽ, Quyến nổi lên như “thần đồng” từ một giải trẻ, khi ấy bóng đá Việt vẫn còn sự cạnh tranh giữa các lò đào tạo như Nam Định, Sông Lam, Thể Công, Đồng Tháp... Để nổi được như Quyến ngày xưa, khó lắm bởi phải cạnh tranh nhiều chứ không phải như bây giờ, cứ đá được một chút là vào đội hình 1 của các câu lạc bộ ngay vì quá thiếu người. Sau thời gian ấy, các lò đào tạo lụi tàn dần, Thể Công giải tán để rồi lứa tài năng trẻ của họ đưa đi tập huấn nước ngoài hàng năm trời tan tác. Nam Định xuống hạng nhì, các cầu thủ tài năng chạy việc khắp nơi. Đồng Tháp cũng xuống hạng, cũng tan tác. Có chăng còn xứ Nghệ là duy trì được lò đào tạo trẻ của mình.
Chính vì vậy, việc càng nhớ đến Quyến bao nhiêu, người hâm mộ càng mừng bấy nhiêu bởi thời gian gần đây các giải bóng đá trẻ bắt đầu được lo lắng chỉn chu hơn, bắt đầu xuất hiện những cầu thủ trẻ đáng xem và các lò đào tạo được gầy dựng đầy tín hiệu vui. Với sự tái hợp của các tuyển thủ như Trần Minh Chiến, Hữu Đang, Duy Quang, Nguyên Chương... lò đào tạo PVF chỉ mới xuất hiện bốn năm nay nhưng làm mưa làm gió ở các giải trẻ. Không chỉ vậy, nơi đào tạo theo ý tưởng của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, đã vẫn giữ nguyên tiêu chí là đào tạo trẻ để cung cấp cho bóng đá Việt, chứ không tổ chức đội bóng đỉnh cao nhằm giữ các tài năng của mình không nhuốm màu tính toán. Cùng với PVF, Thể Công cũng đã trở lại, Đà Nẵng nổi trội hơn ở các giải U15, U17.
Hôm nay, lúc 14g30 trên sân Thống Nhất sẽ diễn ra trận chung kết giải U17 giữa đội PVF và Đà Nẵng, bỗng đáng xem hơn. Xem để tìm hình ảnh một cầu thủ trẻ nào đó có thể giúp vơi đi nỗi nhớ Quyến. Xem để kỳ vọng, biết đâu Quyến sẽ chỉ còn là ký ức và bóng đá Việt sẽ có những tài năng mới giúp hoàn thành giấc mơ đưa đội tuyển Việt Nam góp mặt ở đấu trường châu lục mà Quyến đã không thể làm.
Nhớ Quyến thì hãy ủng hộ đào tạo trẻ, hãy xem giải trẻ, chứ than rồi... thôi thì chừng nào mới có Quyến mới?!