Văn Hậu mơ xa tại Hà Lan: Đá 2 phút vẫn là SAO Việt xuất ngoại thành công nhất?
Đoàn Văn Hậu vẫn đang miệt mài đi tìm màn ra mắt ở giải VĐQG Hà Lan Eredivisie. Nhưng với đội trẻ Jong Heerenveen, cầu thủ đến từ Hà Nội FC đang có cơ hội để gặt hái danh hiệu lớn.
Thành tích của các sao Việt xuất ngoại ra sao?
Trong năm 2019, bóng đá Việt Nam có 4 cầu thủ xuất ngoại. Cuộc xuất ngoại ồ ạt này xuất phát từ những thành công lớn của bóng đá Việt Nam trong giai đoạn trước đó, từ U23 châu Á 2018, ASIAD 2018, AFF Cup 2018 đến Asian Cup 2019.
Công Phượng và Tuấn Anh khi còn thi đấu ở Nhật Bản
Thủ môn Đặng Văn Lâm gia nhập Muangthong United của Thái Lan. Tiền đạo Nguyễn Công Phượng đến Incheon United dưới dạng cho mượn. Tiếp theo Incheon, Công Phượng đến với đội bóng Bỉ là Sint Truidense. Cầu thủ thứ ba xuất ngoại, đó là Lương Xuân Trường, với điểm đến là Buriram United. Và sau cùng là Đoàn Văn Hậu, khi gia nhập Heerenveen dưới dạng cho mượn.
Vào lúc này, có thể nói rằng trong 4 cầu thủ nói trên, chỉ có một mình thủ môn Đặng Văn Lâm là gặt hái được thành công. 3 thương vụ còn lại, dù thu hút sự chú ý đặc biệt của truyền thông và người hâm mộ, nhưng những gì nhận lại vẫn chưa và không tương xứng.
Phong độ của cả 3 cầu thủ đã và đang thi đấu ở nước ngoài là Công Phượng, Xuân Trường và Văn Hậu không thực sự ổn định. Rõ rệt nhất chính là Nguyễn Công Phượng. Việc không được tạo điều kiện thi đấu trong hàng năm trời đằng đẵng hết ở Incheon United rồi Sint Truidense đã ảnh hưởng không nhỏ đến phong độ của cầu thủ thuộc biên chế HAGL, khiến anh phải về nước khoác áo CLB TP HCM theo dạng cho mượn sớm hơn dự định.
Còn trước đó, Công Phượng cũng từng khoác áo Mito HollyHock, Nguyễn Tuấn Anh đến Yokohama. Lê Công Vinh 2 lần xuất ngoại ở Leixoes và Consadole Sapporo. Thậm chí xa hơn nữa, Lê Huỳnh Đức từng chơi bóng cho Chongquin Lifan của Trung Quốc.
Cho đến nay chưa cầu thủ Việt nào gặt hái được danh hiệu. Từng có thời gian Xuân Trường được đồn đoán rằng có cơ hội nhận huy chương tại giải VĐQG Thái Lan (Thai League) cùng CLB Buriram, nếu đội bóng này bảo vệ được danh hiệu Thai League. Tuy nhiên, thực tế là Xuân Trường không đủ điều kiện, còn Buriram cũng không về nhất.
Danh hiệu đang chờ Văn Hậu
Chuyến chinh phục châu Âu của Đoàn Văn Hậu cũng chưa tương xứng với kỳ vọng. "Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất Đông Nam Á 2017" chưa có lần chào sân tại giải VĐQG Hà Lan Eredivisie, có vỏn vẹn 2 phút chính thức và vài phút bù giờ ở Cúp Quốc gia Hà Lan hôm 18/12. Tổng cộng, Văn Hậu có 15 lần dự bị trong màu áo Heerenveen. Tuy nhiên, điểm khác biệt ở chỗ, giờ đây Văn Hậu đang có cơ hội để có ít nhất một danh hiệu trong chuyến xuất ngoại này.
Văn Hậu (phải) sáng cửa giành danh hiệu cùng đội Jong Heerenveen
Tất nhiên, đội 1 Heerenveen không có đủ tiềm lực để tranh danh hiệu tại giải VĐQG Hà Lan. Nhưng đội trẻ của đội bóng này là Jong Heerenveen lại là một thế lực và có cơ hội lớn giành chức vô địch tại giải đấu dành cho các đội dự bị của Hà Lan ở mùa giải 2020.
Hôm 5/2 vừa qua, Jong Heerenveen có màn chạm trán với Jong Feyenoord trên sân nhà, với một lực lượng mạnh hơn, Heerenveen đánh bại đối thủ với tỉ số 4-1. Đây cũng là 3 điểm đầu tiên của Đoàn Văn Hậu cùng các đồng đội trên bảng xếp hạng ở giải đấu dành cho các đội dự bị. Jong Heerenveen tạm đứng ở vị trí thứ 7, kém đội đầu bảng là Roda JC 6 điểm, song họ mới chỉ đá 1 trận và vẫn hoàn toàn có thể đuổi kịp điểm số nói trên.
Giải dự bị Hà Lan được tổ chức thành các bảng đấu theo thể thức vòng tròn một lượt. Ở vòng một, 22 đội bóng chia thành 2 bảng A và B. Tại vòng 2, 6 đội dẫn đầu mỗi bảng đấu sẽ tiếp tục thi đấu một lượt tính điểm và chọn ra nhà vô địch. Mùa 2017/18, Jong Heerenveen lên ngôi vô địch khi giành được nhiều điểm nhất (33 điểm sau 16 trận). Mùa 2016/17, họ cũng là đội dẫn đầu bảng A, có 31 điểm sau 14 trận.
Nguồn: [Link nguồn]
Đoàn Văn Hậu vừa có 90 phút trọn vẹn cùng với đội trẻ Heerenveen.