Vấn đề của ĐT Việt Nam: Thấy lo và có cơ sở để lo
Sau đợt tập huấn phương Nam, tuyển Việt Nam trở ra Hà Nội đá hai trận giao hữu nữa với Palestine và Malaysia trước khi bước vào đấu trường AFF Cup 2014. Lo cho những màn trình diễn của tuyển Việt Nam và nhất là “mối đe dọa” đến từ hai đối thủ khó chơi Indonesia và Philippines.
Nếu xét về nhân tố mới cho tuyển Việt Nam ở AFF Cup 2014, thì hầu như không thấy, những “át bài” chủ đạo vẫn là Công Vinh, Văn Quyết, Thành Lương, Tấn Tài… Gương mặt mới Hải Anh có duyên ghi bàn trong hàng loạt trận giao hữu của tuyển Việt Nam, đình đám nhất là cú hat trick vào lưới tuyển Myanmar (ngày 2-7 tại Bình Dương).
Tuy nhiên ở một sân chơi như AFF Cup 2014 thì liệu Hải Anh có đủ 'số má' để tiếp tục thể hiện khả năng. Tương tự như thế là Anh Đức, rất có duyên ghi bàn kiểu một chạm nhưng Đức thì vẫn hay “đốt thử kêu to…đốt thiệt thì…”.
HLV Toshiya Miura năm nay 51 tuổi (ảnh nhỏ) với kỳ vọng sẽ giúp bóng đá Việt Nam bay cao, bay xa dù ông chưa có kinh nghiệm huấn luyện đội tuyển. Ảnh: AT - Q.THẮNG
Mạc Hồng Quân thời gian vừa qua đã phần nào lấy lại sự tin tưởng chút chút tại Asiad 17, nhưng khi về khoác áo tuyển quốc gia thì tiền đạo Việt kiều này vẫn mờ mờ nhạt nhạt, vẫn vụng về vốn như thường thấy.
Thường thì mỗi một kỳ AFF Cup phải xuất hiện một bộ khung, bộ ba, hoặc bộ tứ chơi ấn tượng nhưng rõ ràng hiện nay tìm một bộ đôi, bộ ba chơi ấn tượng, có nhiều nét mới trong tuyển là khó. Chính vì thế những nhân tố mới như Hải Anh hay Mạc Hồng Quân chưa thể gọi là những nhân tố mới thực sự có thể làm đầu tàu, những cú hích trong những thời điểm quyết định.
Về phía hai đối thủ được đánh giá là tranh chấp quyết liệt với tuyển Việt Nam là Indonesia và Philippines. Có thể nói rằng, từ khi tuyển Philippines mở rộng chính sách tuyển chọn con lai từ châu Âu, Mỹ về khoác áo tuyển thì tuyển Việt Nam chưa hề đánh bại họ được mà còn toàn thua. Tuyển Việt Nam từng thua Philippines 0-2 trên sân Mỹ Đình tại AFF Cup 2010, thua 0-1 dẫn đến bị loại ở trận vòng bảng cuối cùng tại AFF Cup 2012.
AFF Cup 2014, Philippines còn được đánh giá cao hơn bởi họ có HLV Thomas Dooley, cựu đội trưởng đội tuyển Mỹ. Nhà cầm quân người Mỹ này về tiếp tục làm những “cuộc cách mạng” với tuyển Philippines.
Đó là ông quyết liệt săn lùng những tài năng con lai (mẹ Philippines cha là người nước ngoài) về đầu quân cho tuyển, thay đổi lối chơi giàu chất kỹ thuật nhưng cũng sẵn sàng ứng biến bằng lối chơi bóng nhanh, dài kiểu châu Âu mà Philippines vốn rất thuận lợi vì cầu thủ cao, to. Những giải quốc tế vừa qua, Philippines chơi rất hiệu quả, họ suýt có mặt ở vòng chung kết châu Á tại Úc đầu năm tới.
Theo nhận định của chúng tôi thì sự hiện diện của tuyển Philipines ở cùng A với Việt Nam lần này sẽ còn nảy sinh thách thức gấp bội so với hai lần trước.
Đối thủ còn lại là tuyển Indonesia. Nhìn nhận một cách thực tế từ hai nhà cầm quân thì HLV Riedl của tuyển Indonesia có thuận lợi so với đồng nghiệp Miura của tuyển Việt Nam. Ông Riedl quá am hiểu bóng đá Việt Nam.
Trong đội hình Việt Nam còn có hàng loạt học trò cũ của ông như Công Vinh, Tấn Tài, Thành Lương,… HLV Riedl cũng từng quan sát cách đá của tuyển Việt Nam dưới thời HLV Miura (trận giao hữu với Hong Kong tại Hải Phòng). Ngược lại HLV Miura chẳng biết gì về đặc trưng của tuyển Indonesia.
Theo như các cựu tuyển thủ Việt Nam, kể cả thế hệ vàng thì mỗi khi tuyển Việt Nam gặp Indonesia là rất khó khăn và đầy thách thức. Bởi ngoài việc tuyển Indonesia có kỹ thuật cá nhân rất tốt, họ còn khỏe, nhanh, sắc bén…Lần này Indonesia dự giải với sứ mệnh phải vô địch nên HLV Riedl có một sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng, trong đó việc nghiên cứu đối phương và hiểu thật sâu đối phương là điều HLV Riedl đã thực hiện được.
Ngược lại, có thể HLV Miura của tuyển Việt Nam có những băng hình về hai đối thủ Philippines và Indonesia nhưng ra chiến trường thực địa trước hai đối thủ này thì vị HLV người Nhật chưa có.
Nhìn vào lịch sử hai đối thủ kỵ rơ của tuyển Việt Nam là Philippines và Indonesia lại rơi vào cùng bảng A thấy lo lo cho đội tuyển Việt Nam. Và nỗi lo đó là có cơ sở.