Vấn đề của bóng đá VN: World Cup mộng mơ
Giấc mơ World Cup bắt đầu từ các cô gái giành quyền dự vòng chung kết châu Á sang đến cầu thủ U-19 dự vòng chung kết U-19 châu Á rồi lại nâng cấp sang giấc mơ 2018…
Đêm qua, đội tuyển quốc gia đã chơi trận cuối cùng vòng loại Asian Cup tiếp khách Hong Kong rồi chia tay nhau ai về nhà nấy. Đấy chỉ là một trận đấu thủ tục và thầy trò Hoàng Văn Phúc không đáng trách bằng người vẽ lộ trình cho đội tuyển thua từ trong trứng nước.
Ấy thế mà chỉ còn bốn năm nữa thôi, một đại diện của VFF còn mơ mộng cả đội tuyển Việt Nam có mặt tại cúp thế giới. Sự lạc quan tếu này xuất phát từ hy vọng thái quá vào lứa cầu thủ trẻ U-19 Việt Nam xuất thân hầu hết ở Học viện HA Gia Lai - Arsenal JMG.
Thật khó tin cả một nền bóng đá mộng mơ World Cup chỉ với gần 20 cầu thủ chưa là gì với đối thủ Nhật (thua U-19 Nhật 0-7 ở Cup Nutifood) thế mà lại có những mơ mộng rất xa.
Khó tin hơn nữa sau 14 mùa chuyên nghiệp, các loại bệnh đá xấu, ý thức cầu thủ kém, trọng tài non tay, CLB mất lửa,… ngày càng trở nặng. Những điều này không cần phải mời đến chuyên gia Nhật Koji sang bắt bệnh mới biết. Các nhà làm bóng đá Việt Nam thừa biết sự tồn tại tệ hại ấy suốt quãng thời gian dài mệt mỏi nhưng chẳng ai đủ sức bốc cho một liều thuốc đắng dã tật.
Cả một nền bóng đá quanh năm suốt tháng ngoi ngóp trong ao làng Đông Nam Á rồi đá bỏ đấu trường châu Á từ cấp CLB cho đến đội tuyển thì làm sao thổi mát niềm tin sẽ góp mặt ở cúp thế giới?
Giấc mơ World Cup 2018 gần giống với cái bánh vẽ hồi năm 2001 ông Dido ngạo mạn đòi giúp bóng đá Việt Nam chơi World Cup 2006 trong lúc giải vô địch quốc gia còn ngổn ngang tiêu cực.
Giấc mơ World Cup còn xa vời vợi khi sân chơi trong khu vực châu Á bóng đá Việt Nam đang tự đánh mất mình
Chỉ có một chút khác biệt ở World Cup mộng mơ lần này là lứa cầu thủ trẻ ra đời từ tình yêu của một ông bầu đắm đuối với bóng đá cùng sức hút bởi sự tươi mới và ngoan hiền của họ trong một môi trường có giáo dục.
Thế nhưng chỉ có tình yêu và bấy nhiêu con người trẻ chưa tốt nghiệp lớp học bóng đá căn bản để gieo vào niềm tin lẫn gánh nặng thì liệu có đáng?
Càng không thể tin vào lứa cầu thủ U-16 của Trung tâm Đào tạo trẻ VFF mà người ta nói vống lên là những niềm hy vọng của bóng đá Việt Nam chuẩn bị cho ASIAD 2019 khi lỡ nhận đăng cai.
“Muốn bóng đá Việt Nam phát triển, phải thay đổi toàn bộ” - chuyên gia Koji chỉ mới xem ba trận ở V-League đã phải thốt lên như thế và chắc chắn ông không thể tin nổi đấy là một nền bóng đá chuyên nghiệp 14 năm rồi.
Đá bóng tử tế ở ao nhà đi đã rồi hãy mơ sang World Cup!
Năm trọng tài và trợ lý trọng tài vừa bị truất quyền điều khiển ở V-League Năm nhân vật trên bị trảm do những vi phạm vừa xảy ra ở vòng 7 V-League. Đấy là một án phạt nghiêm khắc và cần thiết khi làng bóng đang sục sôi vì vấn nạn bạo lực lẫn sai sót về chuyên môn của “vua” sân cỏ. Dân trong nghề cho rằng các trọng tài này gặp vận đen phải chịu bởi nếu làm đúng và gắt gao hơn thì V-League chẳng còn đủ trọng tài. Giải pháp tạm thời của VFF là đưa một số trọng tài trẻ hành nghề ở hạng nhất lên cầm còi và cầm cờ V-League. Nó giống như một cái vòng tròn luẩn quẩn của nền bóng đá xiêu vẹo và sai lầm vội lấp lỗ hổng bằng một thành phần khác chưa đủ chín. Trong khi đó những cánh tay nối dài như giám sát ngồi mát ăn bát vàng vẫn bình chân như vại. Nghịch lý! |