Vấn đề của bóng đá VN: Tiền và chuyên môn
Nhiệm kỳ mới được hứa hẹn rất nhiều về tiền, mang về cho bóng đá có thể lên đến 300 tỉ đồng một năm.
Con số 300 tỉ đồng được hứa hẹn mang về cho bóng đá Việt Nam khiến nhiều người sốc bởi nó quá lớn so với những gì mà sáu nhiệm kỳ trước mang về. Với các quốc gia làm bóng đá một cách nghiêm túc, tiền là một trong những yếu tố quan trọng để phát triển bóng đá nhưng không phải là quyết định. Ta thì tiền nhiều có thể quyết định được nhiều thứ?
Thực chất thì sự sa sút của bóng đá Việt Nam ở nhiệm kỳ VI không phải vì chúng ta không có tiền trong giai đoạn kinh tế toàn cầu khó khăn. Cái thiếu lớn nhất trong giai đoạn này là công tác chuyên môn, là chiến lược phát triển bóng đá và là việc không có ai giỏi về chuyên môn để xây dựng và phát triển một cách bài bản.
Tôi rất thích cái cách phát biểu của tân Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng khi nói rằng bóng đá Việt Nam nhiệm kỳ này có thể chấp nhận không có thành tích một vài năm đầu để xây dựng lực lượng và đi đúng chiến lược để gặt hái ở tương lai. Đấy là điều chưa một ông chủ tịch VFF nào dám hứa hẹn khi cứ bị căn bệnh thành tích buộc “chín” ép và săn huy chương SEA Games với AFF Cup ở ao làng. Thế nhưng điều lo ngại hiện nay là phần chuyên môn lại cũng chính là phần yếu nhất của một bộ máy VFF.
Bóng đá Việt Nam cần một chiến lược dài hạn và có nền tảng rộng hơn là kiếm tiền thật nhiều mà không biết tiêu tiền đúng chỗ, đúng cách. Ảnh: XUÂN HUY
Tiền là một phương tiện để tiếp cận với công tác chuyên môn và phương tiện đấy những nhiệm kỳ qua bóng đá Việt Nam chỉ dùng để hớt ở phần trên, phần nóc là đội tuyển và U-23.
Bây giờ thì tiền chúng ta nhiều hơn trước rất nhiều (theo hứa hẹn) nhưng liệu đồng tiền đấy có đặt đúng chỗ cho những bước phát triển thuộc về nền tảng căn bản của một nền bóng đá.
Việt Nam cần nhiều học viện như HA Gia Lai nhưng nên nhớ học viện đấy chỉ là tiền túi của HA Gia Lai chứ không có hỗ trợ nào dù là hỗ trợ về chuyên môn. Lãnh đạo nhiều CLB vẫn hay than phiền họ phải mò mẫm làm bóng đá trẻ chứ ít được hỗ trợ, hướng dẫn từ VFF. Lãnh đạo nhiều CLB lo ngại việc đào tạo trẻ thì tốt nhưng lên đội tuyển các lứa tuổi thì lại không tin vào cán bộ hay chuyên gia của VFF. Thậm chí ngay đến Ban các đội tuyển cũng không tìm thấy ai đủ tầm và đủ uy tín để đưa ra những phản biện cần thiết trong đào tạo và xây dựng cầu thủ trẻ.
Nếu VFF kiếm thật nhiều tiền và cứ nghĩ có tiền rồi có chuyên gia Nhật, có trưởng giải Nhật rồi tất cả sẽ đâu vào đó thì thật là nguy hiểm.
Hy vọng trong mục tiêu kiếm tiền, song song đó bộ máy mới của VFF cũng tính cả mục tiêu phát triển chuyên môn và tiêu tiền đúng cách để bóng đá Việt Nam có nền tảng rộng và mạnh thay cho kiểu xây nhà trên nóc.