Vấn đề của bóng đá VN: Quả bóng trách nhiệm
Cái thua bạc nhược của đội tuyển Việt Nam đang được mổ xẻ theo phương thức quen thuộc. Vẫn là loại kiểm điểm từ HLV và quả bóng trách nhiệm cứ bật tường qua lại…
Thất bại vừa qua của đội tuyển Việt Nam rất giống với thất bại hồi SEA Games 21 năm 2001 tại Malaysia (đội Việt Nam bị loại sớm ngay sau vòng bảng sau những trận thua bạc nhược). Khác biệt duy nhất là 11 năm trước đội được dẫn dắt bởi HLV ngoại - ông Dido (người Brazil) còn bây giờ là một ê kíp HLV nội.
Hồi đấy đội tuyển trở về, tất cả được đổ lên đầu ông HLV ngoại người Brazil và xem đấy như một tai nạn trong việc chọn lầm người dẫn dắt đội tuyển và hết. Bây giờ thì có vẻ như mọi thứ đang được đổ lên một ban huấn luyện nội, trong đó chịu trách nhiệm lớn nhất là HLV Phan Thanh Hùng.
Ông Phan Thanh Hùng và các cộng sự của mình phải làm một báo cáo và tôi tin chắc báo cáo đấy sẽ không mang lại nhiều điều mới mẻ cho những nhà quản lý, kể cả việc ông Hùng có nói rằng “cầu thủ vô kỷ luật hay cầu thủ không hết mình”. Thậm chí là nếu ông Hùng có đề cập rằng giáo án huấn luyện của ông đã bị chen ngang bằng những giải vô bổ, hay bản thân ông đã phải bận bịu với công việc đội tuyển nhưng vẫn phải theo lệnh, phải mất thời gian cho những chuyến bay vô lý để báo cáo với quan này, quan nọ… thì vấn đề của đội tuyển cũng sẽ bị vo tròn và đẩy đi như người ta vẫn chuyền những quả bóng.
Ai dám nhận trách nhiệm cùng ông Hùng?
Bóng đá Việt Nam lâu nay có một căn bệnh rất lớn đó là những nhà làm bóng đá rất hay sợ: Sợ cấp trên (gõ xuống) và sợ dư luận (gõ ngang) rồi đánh mất hết tất cả những gì thuộc về khả năng chuyên môn của mình.
Bởi thế nên khi nghe dư luận “ca” Malaysia có HLV nội rất hay thì bóng đá Việt Nam cũng “say” với HLV nội mà không có bước chạy đà cần thiết. Bước đà ở đây là để có đội ngũ HLV nội đủ chất và đủ bản lĩnh lẫn đủ thẩm quyền thì LĐBĐ Malaysia đã nhọc công đầu tư cho đội ngũ đấy với nhiều năm học thầy ngoại và tu nghiệp ở nước ngoài. Họ hình thành một đội ngũ hiểu về bóng đá nước nhà nhưng có năng lực quản lý lẫn huấn luyện bằng một lộ trình bài bản. Hoàn toàn khác hẳn việc thấy ông thầy nội làm ở CLB rất thành công là bắt ngồi vào nắm đội tuyển với thỏa thuận cho kiêm nhiệm ở cả CLB lẫn đội tuyển.
Ở đội tuyển Malaysia, HLV Rajagobal khi tuyển quân chẳng hề vướng bận gì đến cầu thủ nào của CLB nào bởi ông là HLV chuyên trách. Thậm chí đến cách làm của ông Rajagobal là tin tôi, giao tôi và tôi chịu trách nhiệm toàn bộ về đội tuyển sau khi báo cáo và được phản biện từ Hội đồng Huấn luyện. Hoàn toàn khác với Việt Nam khi làm thì không thấy Hội đồng Huấn luyện ở đâu nhưng lúc mổ xẻ thì cái ban hữu danh vô thực này lại làm cái chuyện của những tay đấm sẵn sàng knock out một HLV nội. Đó là chưa kể trong quá trình chuẩn bị thì những giải xen ngang hay những trận đấu xen ngang bị xem là bắt buộc dù rất bất hợp lý so với quy trình huấn luyện cần thiết.
Thậm chí là ở khu kỹ thuật trong các trận đấu có khi ông trưởng đoàn kiêm tổng thư ký VFF còn bị “mất chỗ” cho người không có chuyên môn thì làm sao đòi hỏi tính kỷ luật và sự hợp lý trong một tập thể.
Những ngày qua, nhiều người đề cập chuyện các cầu thủ không hết mình hoặc bất mãn nhưng rõ ràng đấy chỉ là một phần nổi của tảng băng.
Phần chìm đấy liệu có ai đủ dũng cảm nhìn nhận hay lại xuê xoa sau bản kiểm điểm của HLV trưởng rồi trảm tướng (hoặc thuyết phục từ chức) như ông Falko Goetz ngày nào thế là xong?
Cái gốc của vấn đề vẫn chỉ là trò chơi trốn tìm của các quan.