Vấn đề của bóng đá Việt Nam: Tiêu tiền ở V-League
Chợ chiều V-League là mùa tiêu tiền như nước với những cuộc tranh chấp trụ hạng hoặc đua vô địch đều có giá cắt cổ của nó…
Cầu thủ Thanh Hóa vừa bỏ túi 600 triệu đồng tiền thưởng vượt khung sau trận thắng Than Quảng Ninh 3-1 để duy trì mục tiêu theo đuổi chức vô địch với B. Bình Dương. Từ ngày có nhà đỡ đầu mới, đội bóng xứ Thanh chơi như lên đồng cùng chiến tích bất bại sân nhà và chỉ còn kém đội đầu bảng 1 điểm.
Thanh Hóa có thể vô địch V-League và trở thành miền đất hứa hấp dẫn các cầu thủ giỏi chạy về đây để thỏa mãn một lần lên đỉnh nếu nhà tài trợ còn sức bảo bọc với những khoản tiền thưởng kếch xù.
Việc rải tiền lấy thành tích của Thanh Hóa chẳng khác gì cái thời bầu Đức mua cả đội hình đội tuyển quốc gia Việt Nam và Thái Lan giúp cho HA Gia Lai dễ dàng đăng quang như lấy đồ trong túi. Nó cũng là con đường đi của B. Bình Dương bây giờ hay bầu Hiển sau nhiều lần vung tiền thưởng mạnh tay thì có ngay những chức vô địch của Hà Nội T&T và SHB Đà Nẵng.
Thanh Hóa (áo vàng) đang rải tiền lấy thành tích
Vấn đề là sau khi vô địch V-League, các ông bầu được gì và bóng đá Việt Nam còn lại gì?
Bầu Đức sau hai lần lên ngôi đã quá rành công thức đơn giản và lãng phí tiền của khiến cho 10 năm qua không thèm đầu tư kiểu cũ, dù cho kiểu chơi mới với đám cầu thủ trẻ đang ngụp lặn dưới đáy bảng mà ông… vẫn vui.
Bầu Hiển lơ là một chút với các đội bóng của mình và khi không nhiều lần cao hứng thưởng nóng thì ngay lập tức thành tích sụt giảm bất thường. Có thể ông ăn mãi một món cũng chán mà không phải hết tiền hoặc muốn đổi cách chơi như thương vụ đưa đội Man City du đấu ở Hà Nội mất toi cả triệu bảng.
Thanh Hóa nếu không có tiền “đốt” chân cầu thủ thì khó cho họ bay cao hoặc ra sân đá với suy nghĩ tranh chấp vô địch để làm gì? Và liệu nhà tài trợ mới trụ lại với bóng đá bao lâu rồi rải tiền bao nhiêu cho đủ? Chỉ có một điều chắc chắn rằng nếu Thanh Hóa không đủ sức “chọi” tiền mua cầu thủ giỏi và lót tay cầu thủ ấm như B. Bình Dương, mèo lại hoàn mèo với cái kiểu xây nhà từ nóc.
Tiền lương và tiền thưởng khiêm tốn đã tạo ra sự lưỡng lự hoặc thiếu động lực của cầu thủ một số đội bất cần tranh chấp vô địch nhưng thừa điểm để trụ hạng. Điều này đã và đang gây nên hậu quả ở nhiều mùa giải lẫn nguy cơ trong thế cờ tàn V-League mùa này cho những ai muốn đổi tiền lấy điểm.
Nghịch lý V-League luôn là một cỗ máy tiêu tiền ngoại hạng nhưng nền tảng và vị trí của bóng đá Việt Nam thì ngày càng sụt giảm.