Vấn đề của bóng đá Việt Nam: Sản phẩm lỗi
Hình ảnh người TP.HCM đang tất tưởi mong mua được tấm vé ở giải U-19 quốc tế nói lên một điều: Sản phẩm chất lượng thì luôn bán đắt đỏ.
Có bao giờ bạn đặt câu hỏi sản phẩm của bóng đá Việt Nam chất lượng ở mức độ nào, có xứng đáng để cuối tuần bạn cùng gia đình đi thưởng thức bóng đá nội; hay phải phơi mình dưới thời tiết khắc nghiệt để xếp hàng mua tấm vé xem các đội tuyển quốc gia thi đấu?
Có thể khẳng định luôn chất lượng sản phẩm bóng đá Việt Nam đang rơi ở điểm cực thấp, hay có thể gọi kém chất lượng cũng chẳng sai. Hãy nhìn U-23 chúng ta thi đấu ở SEA Games, với chất lượng như thế thì khó mà chấp nhận. Đội tuyển quốc gia cơ bản là những con người cũ kỹ, sau lần vô địch ở AFF Cup 2008. Thật khó để tìm ra một chiến dịch mà ở đó, các tuyển thủ mang đến xúc cảm đặc biệt ở trình độ chơi bóng, kể cả tinh thần và thái độ chơi bóng.
Ở bình diện giải chuyên nghiệp, sau 13 năm phát triển với hình thức hào nhoáng, chính những nhà quản lý, điều hành nền bóng đá đã phải thừa nhận giải chuyên nghiệp chúng ta chưa ổn. Quả thật những yếu tố mang tính nền tảng, cốt lõi của nền bóng đá chuyên nghiệp vẫn chưa xây dựng được. Nhiều người ngộ nhận bóng đá Thái Lan đang tuột dốc mấy năm qua. Rốt cuộc từ lăng kính SEA Games 27, mọi người chứng kiến một hình hài bóng đá Thái Lan đầy nội lực và tiềm lực. Lối chơi hiện đại, không mang dáng dấp “ao làng” Đông Nam Á. Chứng tỏ rằng họ xây dựng hệ thống nền tảng, trong đó có đào tạo trẻ và giải vô địch quốc gia là rất tốt.
Trong khi sản phẩm lỗi của VFF không bán được thì sản phẩm của một ông bầu với lứa U-19 lại khiến người hâm mộ rồng rắn xếp hàng mua vé. Ảnh: ANH PHƯƠNG
Trong hai năm gần đây, làn sóng doanh nghiệp tháo chạy khỏi bóng đá dâng cao đến mức bất thường. Đấy là điều tất yếu khi sự đầu tư quá nhiều mà hiệu quả mang lại quá thấp, trong lúc khủng hoảng kinh tế đang quét “lưỡi hái tử thần” với nhiều hoạt động kinh doanh cần ưu tiên hơn bóng đá.
Với tốc độ đốt tiền như hiện nay (dù đã giảm thiểu), khả năng có đội không đi hết mùa giải 2014 là hoàn toàn có thể xảy ra. Bất cứ sự đầu tư nào cũng không kỳ vọng sẽ gặt hái thành quả ngay để người đầu tư kiên nhẫn chờ thời đến. Nhưng với bóng đá, hầu như người đầu tư đã cầm chắc là lỗ, vậy nên khi đạt cái đích quảng bá thương hiệu, hay hoàn thiện các bản hợp đồng phi bóng đá, rũ bỏ bóng đá là cái đích đến của nhiều doanh nghiệp.
Nếu đội tuyển quốc gia, U-23 và nói chung là các cầu thủ Việt Nam đá tử tế như U-19 quốc gia, chẳng có lý do gì xã hội không ủng hộ. U-19 HA Gia Lai được NutiFood tài trợ 20 tỉ đồng đó thôi. Nói như bầu Đức thì sản phẩm tốt sẽ có nhiều người mua và bằng chứng là sau NutiFood đã có nhiều doanh nghiệp xếp hàng xin tài trợ hoặc quảng cáo.
Giờ đây, người hâm mộ chỉ cần cầu thủ khi ra sân phải đá bóng nghiêm túc, tôn trọng khán giả, đơn giản thế nhưng khó được cụ thể hóa. Không có nền bóng đá nào mà cách làm bóng đá theo quy trình ngược như ở ta: Xây nhà từ nóc; đốt tiền giỏi hơn kiếm tiền; cầu thủ (và lãnh đạo CLB) coi nhẹ khâu chăm sóc khán giả (được ví như thượng đế, hay là tiền đạo trong sơ đồ phát triển)…
Khi liên tiếp phải mua những sản phẩm tồi thì thượng đế quay lưng là dễ hiểu.
Bóng đá chuyên nghiệp kiểu Việt Nam đang tiếp tục trả giá trong khi bóng đá trẻ do một ông bầu tự tìm lối ra thì hút hàng đến cháy vé.
Nghịch lý!