Vấn đề của bóng đá Việt Nam: Lắm thầy…
Hôm qua, VFF vừa cho ra đời Ban Chỉ đạo các đội tuyển quốc gia tại SEA Games 27 với con số “khủng” gồm tám thành viên.
VFF lấy cái cớ các đội tuyển bóng đá tại SEA Games 27 để giải quyết các vấn đề phát sinh như ăn ở, di chuyển, hỗ trợ chuyên môn, khen thưởng, kỷ luật... nên bắt buộc phải có ban chỉ đạo. Theo đó, cái ban mới toanh này gồm trưởng ban là Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ, các phó ban là Phó Chủ tịch VFF Phạm Văn Tuấn, Lê Hùng Dũng, Nguyễn Lân Trung, Chủ tịch Hội đồng HLV quốc gia Nguyễn Sỹ Hiển và ba ủy viên Trương Hải Tùng, Nguyễn Hồng Thanh, Lê Ngọc Chức.
Đấy là chưa kể trợ lý Trưởng đoàn Trần Quốc Tuấn phụ trách chung bốn đội bóng đá cùng với hai ông Trưởng đoàn bóng đá nam Ngô Lê Bằng và Trưởng đoàn bóng đá Futsal Trần Anh Tú. Như vậy, con số các thành viên là quan chức… đi theo các đội tuyển là 11 người, đủ thành lập thêm một đội hình đá bóng.
Không hiểu ban tổ chức bóng đá SEA Games của nước chủ nhà Myanmar sẽ gây khó dễ cho các đội tuyển Việt Nam ra sao mà VFF cần phải đẻ ra một ban bệ hùng hậu ăn theo? Có nhất thiết phải đưa cả một đội hình để làm thay công việc của người khác với cái tên ban chỉ đạo, bởi họ sẽ làm gì khi đã có một trưởng đoàn lo ngoại giao lẫn công tác hậu cần cho cầu thủ?
Trưởng đoàn bóng đá nam Ngô Lê Bằng (trái) sẽ làm gì khi bên cạnh còn có Trưởng ban Chỉ đạo các đội tuyển Nguyễn Trọng Hỷ. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Không rõ ông Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ cùng các thuộc cấp muốn chỉ đạo cái gì như cái cách lý giải thành lập ra ban này? Bởi vấn đề chuyên môn là thuộc về ban huấn luyện; ăn ở hay di chuyển ưu tiên theo tiêu chuẩn các kỳ SEA Games trước đây đều do ban tổ chức lo; còn chuyện khen thưởng, kỷ luật thì bóng đá như một sân khấu và mọi thứ đều phơi bày đến trẻ con cũng hiểu nên khen hay chê. Thế thì việc gì Nhà nước phải tốn quá nhiều tiền cho 11 con người đi SEA Games để làm những việc vặt vãnh không rõ ràng.
Cái kiểu phát sinh ban chỉ đạo là không cần thiết và thậm chí còn gây khó khăn cho chính ban huấn luyện cùng sự khó chịu cho cầu thủ khi nhìn đâu cũng thấy giám sát cả trên sân cỏ lẫn trong sinh hoạt, tập luyện.
Không thấy ai nói mình tự bỏ tiền túi ra kéo bầu đoàn đi động viên đội tuyển quốc gia như hồi ông Lê Hùng Dũng từng thuê chuyên cơ sang Thái Lan treo thưởng lớn hoặc chỉ là một cổ động viên đích thực mà không phải đi chỉ đạo. Bởi thực tế các đội tuyển cần sự ủng hộ, khuyến khích sao cho chơi bóng hay hơn chứ không thích các quan chức VFF chỉ tay năm ngón mà không biết nghe theo ngón nào.
Nhiều người mỉa mai cho cái quyết định ra đời Ban Chỉ đạo các đội tuyển bóng đá SEA Games 27 đơn giản là của tập thể thì tập thể chịu trách nhiệm. Không khó nhìn ra cái kiểu đi theo chỉ đạo có khác gì đội tuyển có công thì chia, có lỗi thì là lỗi của tập thể, nghĩa là chẳng phải lỗi của cá nhân nào cả.
Sao không ai chịu nhìn ra trong một đội tuyển lắm thầy sẽ thối ma?
VFF kiến nghị ban tổ chức SEA Games Hôm qua, Tổng Thư ký VFF Ngô Lê Bằng đã gửi công văn cho LĐBĐ châu Á (AFC) về việc thay đổi lịch thi đấu môn bóng đá nam của ban tổ chức chủ nhà Myanmar. Theo đó, VFF kiến nghị làm rõ việc thay đổi lịch thi đấu ở bảng A khi đã xác định U-23 Philippines xin rút lui. Công văn đặt câu hỏi về nguyên tắc hai đội được chọn là hạt giống của mỗi bảng không bao giờ gặp nhau ở trận đầu tiên vòng bảng (trường hợp U-23 Việt Nam gặp U-23 Malaysia); tương tự, bảng B có năm đội nhưng hai hạt giống Myanmar và Indonesia không đối đầu trước tiên. Ngoài ra, các trận có đội U-23 Philippines thì chỉ việc cho đội nào gặp được nghỉ mà không cần phải xáo trộn lịch thi đấu. |