Vấn đề của bóng đá Việt Nam: Kèn trống ngược xuôi
Các ông bầu trong buổi lễ tổng kết giải đã lặp đi lặp lại mùa bóng 2014 có bao nhiêu đội chơi bấy nhiêu nhưng nghị quyết VFF yêu cầu phải có đủ 14 đội bóng…
Khai màn trong lễ tổng kết, bầu Đức cũng là phó chủ tịch HĐQT VPF đặt câu hỏi vì sao giải đấu cứ phải là 14 đội mà không phải 10, thậm chí tám đội có thực lực, có tiềm lực tài chính vững vàng. Ông nói thẳng việc đặc cách hoặc xuê xoa cho các đội bóng không đủ tiêu chuẩn chuyên nghiệp tham gia các giải đấu chuyên nghiệp làm trì trệ nền bóng đá, đi ngược lại với sự phát triển.
Phó Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng đồng thời là phó chủ tịch VPF hưởng ứng việc các CLB trước ngày 30-10 không chứng minh được năng lực tài chính, không đóng lệ phí tham gia giải thì nên nghỉ chơi bóng đá. Ông Dũng dẫn chứng rõ ràng K. Kiên Giang không có tiền trả nợ cầu thủ, Thanh Hóa, V. Ninh Bình chưa đóng lệ phí mùa cũ thì không có cửa chơi V-League mùa sau. Đồng quan điểm trên, bầu Thắng - Chủ tịch VPF nói rõ hơn ở mùa giải mới, tuyệt đối cấm các cá nhân, tập thể bỏ tiền mua suất của đội khác. Ai muốn chơi hoặc chỉ đóng góp cổ phần hoặc phải làm bóng đá căn bản từ hạng ba…
Sự cương quyết siết chặt đầu vào của các CLB ở các sân chơi chuyên nghiệp của những ông bầu VPF đã gặp sự đồng thuận của các nhà làm bóng đá tử tế, khác hẳn với tư duy còn bảo thủ của một số nhân vật ở VFF. Điển hình là Trưởng ban Chỉ đạo các giải đấu chuyên nghiệp - Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ còn băn khoăn ở mùa bóng mới có nên tạo điều kiện cho các đội bóng gặp khó khăn thi đấu hay không? Trăn trở của ông Hỷ chẳng khác nào cái tinh thần của nghị quyết Ban Chấp hành VFF đưa ra chủ trương phải có 14 đội bóng V-League và 10 đội hạng nhất ở mùa giải mới.
Bầu Thắng (phải) nói còn bao nhiêu đội chơi bấy nhiêu trong khi nghị quyết VFF bắt phải đủ 14 đội (Ảnh: DŨNG PHƯƠNG)
Chính bởi nội dung của nghị quyết này mà mùa bóng 2013 không có đội xuống hạng sau khi XMXT Sài Gòn bỏ giải và VFF cứ ngỡ việc nâng đỡ K. Kiên Giang trụ hạng là giúp họ mà không nghĩ là tạo ra một gánh nặng cho một CLB từ lâu đã không mang nổi mình ốc. Nó còn tạo ra một cuộc thăng hạng ồ ạt với năm đội hạng nhì lên hạng nhất và ba đội hạng nhất lên V-League bất chấp những tân binh này có hội đủ tiêu chuẩn của CLB chuyên nghiệp hay không.
Cho nên việc các ông bầu VPF muốn siết chặt quy chế để bảo đảm chất lượng của CLB hơn số lượng theo nghị quyết của VFF chắc chắn sẽ gặp những va đập và trở ngại nhất định.
Cái chính là VPF đã nhìn ra vấn đề ở mùa bóng mới với sự ngột ngạt chung của nền kinh tế thì không chắc các giải chuyên nghiệp đủ đội chơi và điều này đồng nghĩa với lý thuyết của cái nghị quyết VFF đi ngược chiều với thực tế.
VPF đau đầu Mùa bóng 2014, ngoài việc các CLB phải đóng 300 triệu đồng lệ phí dự giải thì mỗi đội V-League phải có 35 tỉ đồng, mỗi đội hạng nhất 20 tỉ đồng. Tuy nhiên, cái khó hơn là quy định về mặt kỹ thuật, các CLB phải bảo đảm cơ sở vật chất theo tiêu chuẩn; phải có tối thiểu ba đội trẻ đối với các đội chơi V-League và tối thiểu hai đội trẻ với các đội hạng nhất mới được đăng ký thi đấu. Các HLV phải có bằng cấp theo quy định của AFC, các CLB chuyên nghiệp phải có trung tâm đào tạo bóng đá trẻ hoặc học viện bóng đá bao gồm các lứa tuổi từ U-11 đến U-19... Những ràng buộc chặt chẽ của bóng đá chuyên nghiệp sẽ gây đau đầu dài dài cho VPF vì chắc chắn rất nhiều trong số 24 CLB chuyên nghiệp ở mùa bóng mới không hội đủ những điều kiện nêu trên. TT |