Vấn đề của bóng đá Việt Nam: Chờ chuyên gia Nhật ứng biến
Sự kiện được làng bóng quốc nội đón chào nhất đầu năm con ngựa chính là cuộc ra mắt của chuyên gia Tanaka Koji khi ngồi lên chiếc ghế trưởng ban tổ chức V-League.
Buổi sáng của ngày khai mạc V-League, VPF đã tranh thủ giới thiệu chuyên gia Nhật là ông Koji. Người mà VPF tự tin khẳng định sau tết sẽ ngồi lên ghế trưởng giải sau khi theo dõi ba vòng đấu.
Khi ấy, Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng rất hồ hởi và tin tưởng sự hiện diện của chuyên gia người Nhật này sẽ giúp nâng tầm bóng đá Việt Nam. Riêng ông Koji ngồi lặng lẽ lắng nghe và từ chối mọi câu hỏi liên quan đến môi trường mới. Đơn giản, ông vẫn chưa hình dung nó tròn méo ra sao mà sau 14 năm học chuyên nghiệp đi mãi vẫn chưa thành đường.
Trong khi VPF giới thiệu mùa giải mới thật hùng hồn thì ông Koji (ảnh nhỏ, bìa trái) chỉ biết ngồi nghe một cách đăm chiêu, ái ngại mà không phát biểu gì. Ảnh: XUÂN HUY
Ván cờ thế V-League cho ông Koji hóa giải ra sao vẫn còn là một ẩn số với làng bóng Việt Nam bởi chí ít ông phải lăn lộn tìm hiểu mới có thể biết mình cần gì và làm gì. Ông Koji rất khôn ngoan trong vài ngày đầu ở môi trường mới không mở miệng ra hứa hẹn bất cứ điều gì. Cả những kế hoạch lẫn mọi sự tiếp xúc của ông với giới bóng đá Việt Nam cũng kín như bưng. Nó khác hẳn với cái hồi đồng nghiệp Tanabe của ông tiếp cận V-League hô hào rất tưng bừng và cái kết là một cuộc chia tay không kèn trống.
Lần này, bóng V-League đã lăn và buộc ông Tổng Giám đốc VPF Phạm Ngọc Viễn kiêm luôn ghế trưởng giải. Thực tế công việc của ông Viễn không nặng nề như bao đời nay cái ghế trưởng giải chỉ là một chức danh trong khi mọi thứ đều có các ban bệ lẫn ý chí tập thể quyết định. Thế nên ông Koji có nhận chức trưởng giải cũng chỉ là một cách hợp thức hóa cho ông như một thành viên của giải đấu mà cái chính vẫn là phương cách giúp bóng đá Việt Nam phát triển như ao ước của VPF.
Ông Koji chắc chắn sẽ tiếp tục giấc mộng dang dở của chuyên gia Tanabe như việc làm sao hấp dẫn khán giả đến sân, làm sao giúp các câu lạc bộ (CLB) thu hút nhiều nhà tài trợ thay vì phải thở bằng lỗ mũi của ông bầu, làm sao cầu thủ đá bóng ngày càng hay hơn hoặc chỉ đơn giản là chơi đẹp với một tinh thần fair play…
Khối công việc đồ sộ và ngổn ngang ấy không thể chỉ mỗi Koji gánh vác. Quan trọng hơn là điều cốt lõi nhất mà ông Koji có thể trông cậy ban đầu chính nhờ sự trung thực của các CLB. Những nơi mà hầu hết mùa nào cũng lo chạy ăn từng bữa hoặc quyền lực nằm ở tay ông bầu. Chẳng hạn, có nhiều đội bóng phải giải thể, giải giao cho đơn vị khác do không đủ kinh phí hoạt động, giải tán vì mất niềm tin hoặc nợ nần cầu thủ không trả nổi; hay ở mùa đầu VPF bắt buộc các sân bán vé thì hầu như các khán đài lạnh tanh, có sân không đủ tiêu chuẩn vẫn cho chơi hoặc sau một trận thua, bầu Hiển và cộng sự quậy tưng tổ trọng tài…
Ông Koji sẽ đối mặt với những thách thức vô cùng lớn, từ sau những vụ việc không vui của làng bóng Việt Nam ở mùa trước. Ví như bản tổng kết của thể thao Việt Nam không có tên bóng đá; sự rút lui của ông chủ tịch ở thời điểm dầu sôi lửa bỏng và đỉnh điểm là tiếng vang của U-19 hầu hết thuộc lò bầu Đức lấn át sự dè bỉu của các giải vô địch quốc gia.
Khi cái chân đế của làng bóng quốc nội lung lay dữ dội thì việc các đội tuyển quốc gia đá bỏ ở Asian Cup hay U-23 Việt Nam bị loại ở vòng bảng SEA Games bỗng dưng trở thành mấy chuyện quá đỗi bình thường.
Đấy chính là điều đáng sợ nhất của các nhà làm bóng đá Việt Nam khi giới hâm mộ dửng dưng với các hoạt động bóng đá lẫn xói mòn niềm tin vào sự quản lý và điều hành từ VFF, VPF bởi không còn thấy tia sáng cuối đường hầm.
Cầu chúc cho ông Koji năm mới giàu sức khỏe để trổ hết tài nghệ giúp bóng đá Việt Nam cất cánh như mong đợi của VPF và người yêu bóng đá chân chính.