Vấn đề của bóng đá Việt Nam: Chỉ lên, chỉ xuống
Tổng cục TDTT vừa chính thức giao chỉ tiêu cho U23 Việt Nam khá khiêm tốn là lọt vào bán kết SEA Games 28. Mức chỉ tiêu này được xem lùi 1 bước so với chỉ tiêu vào chung kết và lùi 2 bước so với chỉ tiêu ban đầu của HLV Toshiya Miura.
Chuyện chỉ tiêu từ lâu đã ăn vào máu và suy nghĩ của những người làm nghề nhưng cũng từng được phân chia thành chỉ tiêu nội và chỉ tiêu ngoại.
Sở dĩ có hai loại như thế là khi bóng đá Việt Nam chưa có HLV ngoại thì thường các thầy nội, hay những nhà làm bóng đá nội đưa ra mức chỉ tiêu đa phần là thấp hơn khả năng thực tế rồi phấn đấu lên. Cách tính đấy tránh được câu “nói trước bước không qua”, đồng thời giúp những nhà làm bóng đá thoải mái vì chỉ tiêu thấp mà đạt được cao thì hay kèm theo nhiều quyền lợi, đồng thời lễ báo công vượt chỉ tiêu bao giờ cũng “sướng” hơn và “được” nhiều hơn là hoàn thành chỉ tiêu.
U23 Việt Nam chỉ cần vào vào bán kết SEA Games 28 là hoàn thành chỉ tiêu
Sau này có HLV ngoại, thường các ông thầy đấy hay lấy mức bằng hoặc cao hơn thực tế một tí để cầu thủ phấn đấu. Chẳng hạn như ông Weigang khi dẫn dắt đội tuyển Việt Nam đá SEA Games 18 – 1995, ngay sau bốc thăm rơi vào bảng tử thần (gặp chủ nhà Thái Lan, á quân Indonesia, Malaysia…) thì ông vẫn tuyên bố chỉ tiêu là vào bán kết. Hồi đấy nhiều nhà chuyên môn nói ông ra chỉ tiêu láo bởi bóng đá Việt Nam chưa từng vào bán kết mà lại ở cùng bảng nhiều đội “xương”. Cuối cùng thầy trò ông Weigang không chỉ vào bán kết mà còn đoạt HCB một cách vẻ vang.
Sau này ông Weigang chia sẻ rằng nhiều người nói ông hạ chỉ tiêu, nhưng ông không đồng ý vì trước khi đánh trận không bao giờ đặt ra mốc quá thấp cho cầu thủ bởi có thể họ chỉ nghĩ đến đó và “đánh” đến đó.
Mới đây bóng đá Việt Nam xôn xao chuyện chỉ tiêu SEA Games 28 khi ban đầu đặt ra là vào chung kết rồi HLV Miura trả lời phỏng vấn một tờ báo đã đặt luôn chỉ tiêu vô địch. Thế mà cuối cùng gút lại thì chỉ tiêu vẫn chỉ là vào bán kết, nghĩa là chỉ cần vượt qua vòng loại đã là đạt chỉ tiêu.
Nhưng dĩ nhiên các CĐV muốn nhiều hơn thế
Vì sao bóng đá Việt Nam khi ngồi lại cùng Tổng cục TDTT thì chỉ tiêu lại hạ xuống đến thế?
Có phải vì Tổng cục chưa tin vào lớp cầu thủ trẻ mà ông Miura dẫn dắt sẽ tham dự SEA Games, hay là lại vẫn theo thói quen của những nhà làm bóng đá nội là chỉ tiêu thấp, rồi “trèo” lên từ từ thì sẽ kèm theo nhiều thứ?
Tôi không tin Tổng cục TDTT nắm rõ thực lực về con người của thầy trò ông Miura hơn là VFF và chính ông Miura sau thời gian ngắn đã hiểu về bóng đá Việt Nam.
Với bóng đá Việt Nam thực tại, mục tiêu HCV SEA Games 28 hơi ngạo mạn, nhưng vào chung kết theo tôi là hợp lý và còn có cái để phấn đấu để đạt đến. Chứ với mục tiêu vào bán kết thì lại thấy sao mình khiêm tốn quá bởi xét đội hình U23 Việt Nam dự vòng loại U23 châu Á, cộng các cầu thủ đủ tuổi U23 sẽ bổ sung đá SEA Games thì có thể ngại thực lực của Thái Lan, còn lại với các đối thủ khác thì đều “chơi được”.
HLV Miura (phải) được kỳ vọng ít nhất là vào trận chung kết
Thế thì việc giảm chỉ tiêu có phải là giảm giá trị, hay là giảm đi sự hưng phấn thái quá, kỳ vọng thái quá, rồi khiến cầu thủ mất phương hướng?
Bóng đá Việt Nam bắt đầu có sự tươi mới từ thế hệ cầu thủ trẻ, nhưng lại vẫn là chỉ tiêu vào bán kết như ông Weigang lần đầu dẫn dắt đội Việt Nam cách đây 20 năm.
Chỉ tiêu mà Tổng cục TDTT đưa ra là chỉ tiêu an toàn và cũng có thể nói rằng nếu không đạt được như thế thì quá tệ. Nhưng với bóng đá mà an toàn quá vì sợ áp lực lên cầu thủ và sợ người hâm mộ kỳ vọng quá thì cũng mất đi sự hưng phấn cần thiết với những cái đích phải nhắm đến để vượt qua.
Nói vui như những người hiểu bóng đá Việt Nam thì chỉ tiêu vào bán kết, nhưng ta vào chung kết hoặc có vàng thì sẽ được nhiều thứ.
Thôi thì bóng đá Việt Nam cứ tạm theo ý Tổng cục để… an toàn.
Video U23 VN về nước trong sự chào đón của fan hâm mộ hồi đầu tháng: