V-League và nỗi buồn cựu vương sa cơ
Ở nhóm B có tới 3 nhà cựu vô địch là SHB Đà Nẵng, SLNA và Quảng Nam đang phải đối mặt với viễn cảnh xuống chơi ở giải hạng Nhất.
Cuối tuần này, giai đoạn 2 V-League 2020 sẽ chính thức khởi động. Với thể thức mới, cuộc đua vô địch (top 8 đội đầu bảng - nhóm A) hay chạy trốn suất xuống hạng (top 6 đội cuối bảng - nhóm B) đều rất hấp dẫn.
Cầu thủ SLNA buồn bã sau trận thua Hải Phòng 1-3, mất suất vào top 8
Đáng chú ý, ở nhóm B có tới 3 nhà cựu vô địch là SHB Đà Nẵng, SLNA và Quảng Nam. Với vị thế của mình, thật khó tin họ đang phải đối mặt với viễn cảnh xuống chơi ở giải hạng Nhất.
SLNA là một trong những đội bóng giàu truyền thống bậc nhất V-League với 4 lần vô địch. Nếu tính từ thời điểm giải đấu số 1 Việt Nam bước lên chuyên nghiệp (2000), đội bóng xứ Nghệ đã kịp nâng cúp 2 lần (2001, 2011).
SHB Đà Nẵng cũng vô địch 2 lần vào các năm 2009, 2012 trong khi Quảng Nam vô địch 1 lần năm 2017. Tính ra, V-League mới có 7 nhà vô địch thì gần phân nửa trong số này phải chạy đua trụ hạng, một thực trạng đáng buồn.
Vậy tại sao các nhà vô địch trên lại suy yếu? SLNA đào tạo tốt nhưng quản lý yếu kém, nền tảng tài chính hạn chế nên thường phải bán đi những cầu thủ tốt nhất.
Quảng Nam và SHB Đà Nẵng sau thời gian nhận được sự đầu tư mạnh tay ngân hàng SHB và Tập đoàn QNK hiện không còn quá dư giả. Thiếu tiền đồng nghĩa với việc không thể nâng cấp lực lượng, nhất là với đội bóng nền tảng đào tạo trẻ gần như bằng không như Quảng Nam.
Mỗi đội một hoàn cảnh nhưng tựu chung lại, cả ba đi xuống vì chưa thực sự chuyên nghiệp. SLNA, Quảng Nam, SHB Đà Nẵng chẳng thể tự nuôi mình, luôn phải trông chờ vào tiền tài trợ và khi nguồn thu này sụt giảm, đội bóng sẽ gặp khó khăn.
Đây là câu chuyện không mới với bóng đá Việt Nam và đã được nhắc đi nhắc lại. Không riêng bộ ba trên mà hầu hết các đội bóng ở V-League đều đang hoạt động chung cơ chế xin - cho. Những CLB chơi tốt hơn, ổn định hơn đơn giản là nhờ nguồn tài chính hậu thuẫn vững vàng. Công bằng mà nói, Quảng Nam dù vô địch nhưng vẫn là đội bóng non trẻ, SHB Đà Nẵng cũng chưa phải cái tên gạo cội.
Nhưng SLNA thực sự là một tượng đài của bóng đá Việt Nam, sở hữu hệ thống đào tạo trẻ cực tốt và lượng CĐV đông đảo bậc nhất V-League. Ấy vậy mà đội bóng áo vàng lại không thể biến lợi thế thành sức mạnh, quẩn quanh với cơ chế cũ, chấp nhận tụt hậu.
Bóng đá chuyên nghiệp đề cao sự phát triển bền vững bởi suy cho cùng, nếu không thể thành công, chẳng ai nhớ tới bạn. Ngặt nỗi, phát triển bền vững lại là khái niệm quá xa xỉ với bóng đá Việt Nam. Thế nên, người hâm mộ cũng đừng ngạc nhiên khi hôm nay, ngày mai hoặc xa hơn nữa sẽ có thêm những nhà vô địch sa cơ.
Nguồn: [Link nguồn]
Sáng ngày 7/10, CLB TP.HCM đã lên đường đi Hà Nội để chuẩn bị cho trận đấu với đội chủ nhà trong khuôn khổ lượt...