V-League, trăm nỗi lo mùa World Cup
Cầu thủ háo hức chờ được thưởng thức các trận cầu đỉnh cao, nhưng giới lãnh đạo các CLB thì lo ngay ngáy.
Năm nào cũng như năm nào, cứ đến các kỳ EURO hay World Cup, CLB ở V-League lại trong cảnh “rào giậu” thật chặt để tránh sự cố.
Trong lúc CLB Hà Nội dự tính tổ chức xem World Cup tập thể cho các cầu thủ ở những trận đấu sớm thì HLV Đức Thắng của SLNA lo cầu thủ mất sức vì thức đêm xem bóng đá. Ảnh: VSI.
Nhẹ thì mất ngủ, cày đêm
V-League năm nay có đặc thù, kết thúc lượt đi các đội không có giai đoạn nghỉ giữa mùa mà “chơi” một mạch. Như mọi năm, BTC có thể cho nghỉ một thời gian để tránh World Cup hoặc EURO.
Thế nên mới có chuyện, khi VTV vừa công bố sở hữu bản quyền World Cup 2018 (Nga) thì giới lãnh đạo các đội bóng cũng phải kịp thời cập nhật tình hình để “nắn” cầu thủ. Messi với Ronaldo thì ai chẳng mê, với giới quần đùi áo số thì những trận đấu ở World Cup thực sự cuốn hút. Tối lại “túm năm, tụm ba”, làm dăm món nhậu với ít bia, vừa xem bóng đá vừa “chém gió” thì còn gì sướng bằng. Cầu thủ vậy chứ lãnh đạo, HLV thì lo ngay ngáy.
Hôm mới đây, HLV Nguyễn Đức Thắng của SLNA đã phàn nàn về chuyện BTC VPF không cho các đội ở V-League nghỉ giữa giai đoạn. Theo ông Thắng, giai đoạn này V-League nên được nghỉ, để tạo điều kiện cho mọi người cùng “hoà chung không khí” ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh. Chưa kể cũng giúp cho người hâm mộ bớt nhàm chán với V-League. Nỗi lo của HLV trưởng SLNA còn ở chỗ, cầu thủ ham xem World Cup, đêm hôm mất ngủ thì sức nào đảm bảo thể lực để thi đấu.
Thực ra những nhà tổ chức bóng đá Việt Nam cũng có cái khó. Phía trước, bóng đá Việt Nam sẽ phải dự tranh 2 giải đấu rất quan trọng, là Asiad 2018 (Indonesia) vào tháng 8 và AFF Cup 2018 diễn ra cuối năm. Nếu hoãn V-League thì ở giai đoạn sau, “vắt giò lên cổ” cũng không kịp để tuyển Olympic và ĐTQG có thể kịp chuẩn bị cho 2 giải đấu trên.
Để phòng xa, nhiều đội bóng đã bắt đầu ra quy định đối với cầu thủ, đảm bảo không ảnh hưởng tới chuyên môn vì mải xem World Cup. Chủ tịch CLB Hà Nội Nguyễn Quốc Hội hôm qua cho biết: “Cấm cầu thủ xem thì không được, vì bản thân mình cũng rất thích. Tuy nhiên nếu đêm nào các cháu nó cũng thức xem, thì làm sao đảm bảo sức khỏe, thể lực để thi đấu. Về cơ bản đây là vấn đề ý thức của cầu thủ, nhưng chúng tôi cũng nhắc nhở, lưu ý các cháu để không sa đà”. Theo ông Nguyễn Quốc Hội, tuỳ lịch thi đấu sớm hoặc muộn, đội có thể tổ chức cho cầu thủ xem tập thể, vừa giải trí vừa tranh thủ học tập chuyên môn. Với những trận quá muộn, cầu thủ sẽ được yêu cầu phải “nhịn” để giữ sức khỏe thi đấu.
Trưởng đoàn bóng đá HAGL Nguyễn Tấn Anh thì cho hay, do vừa làm khách ở Quảng Ninh về, tới đây đội bóng mới xem xét quy định cho mùa World Cup. HAGL có thuận lợi, các cầu thủ trẻ đều có ý thức tốt nên việc quản lý cũng thuận lợi.
Mùa World Cup, mùa “làm ăn”
Nhưng cái lo lớn hơn cả của các đội bóng là việc cầu thủ vướng vào tiêu cực. Không phải ngẫu nhiên, năm nào sau các kỳ World Cup hoặc EURO, bóng đá Việt Nam cũng xảy ra những câu chuyện vừa bi, vừa hài. Cựu trung vệ Nguyễn Như Thành trong một lần tâm sự cách đây chưa lâu cho biết, có những đêm “nướng” cả tỷ bạc vào chuyện cá độ.
Không kỳ World Cup hoặc EURO nào, cơ quan điều tra không “lụm” được những vụ đánh bạc lớn, với số tiền có thể gây choáng váng cho người lao động phổ thông. Chuyện một cầu thủ đang yên lành bỗng nhiên “đóng phim mất tích” sau các kỳ World Cup cũng không hiếm.
Đấy là chưa kể, tranh thủ lúc giới chuyên môn lẫn công chúng đều hướng cả vào World Cup, nhiều thành phần ở V-League và thậm chí giải hạng Nhất lại tranh thủ “làm ăn”. Từng có năm, V-League “nổ tài” liên tục, khiến BTC nháo nhác “soi” nhưng rốt cuộc không bắt được ai vì thiếu bằng chứng.
Mới đây khi World Cup còn chưa khai mạc, giải Hạng Nhất đã xôn xao trước cảnh báo từ Sportradar, đối tác chống tiêu cực của VPF, về những dấu hiệu dàn xếp tỉ số ở các trận đấu thuộc vòng 6.
World Cup, vui thôi đừng vui quá!
Đà Nẵng và Thanh Hóa - hai đại gia nhiều tham vọng, đụng độ nhau ở vòng 13.