V-League theo đuôi Thai-League
V-League sống trong chiếc áo lụa Toyota và đang gồng lên báo cáo thành tích ở phần “vỏ” trong khi phần ruột thì nhìn sang Thai-League lại thấy mình “rỗng” quá.
Theo Trưởng ban tổ chức V-League Nguyễn Minh Ngọc, số khán giả đến sân xem các trận V-League trung bình 7.000 người/trận. Hôm qua (16-8), Chủ tịch Thai-League Ong Art-Kosingkha cũng công bố con số giai đoạn 1 Thai-League số khán giả trung bình xem một trận là 7.010. Nhưng đừng nghĩ số khán giả đến sân như nhau là mặt bằng hai giải giống nhau.
Ở V-League, các CLB Việt Nam phải lấy tiền của công ty mẹ để nuôi đội bóng, trong khi khả năng làm tiền của Thai-League rất đáng nể. Mỗi CLB thuộc giải Thai-League mùa này nhận được 570.000 USD tiền ăn chia từ bản quyền truyền hình.
Riêng thu nhập của Thai-League, hạng nhất và hạng nhì hằng năm là 800 triệu baht (tương đương 22,70 triệu USD). Trong đó, con số mà nhà đài True Visions phải trả cho Công ty Thai-League là 600 triệu baht, 100 triệu baht từ Công ty Toyota (đơn vị tài trợ giải giống như V-League hiện nay) và 100 triệu baht từ những nhà tài trợ khác…
Thai-League luôn hào hứng với mọi hoạt động và thu hút truyền hình lẫn nhà tài trợ đến ngày một nhiều
Chủ tịch Thai-League Ong Art-Kosingkha cũng tiết lộ trung bình mỗi năm một CLB thuộc Thai-League đầu tư trên dưới 100 triệu baht (tương đương 280.000 USD) để xây dựng đội, xây dựng lực lượng và chi phí tổ chức cho cổ động viên. Những con số rất rõ ràng từ thống kê số liệu, kể cả nhà tài trợ được Công ty Thai-League công bố cụ thể cho thấy rõ ràng ở Thai-League các CLB làm ăn đều có lãi và có cả chất.
Những con số đấy rõ ràng hơn hẳn với V-League phần được từ ban tổ chức chỉ là những con số tượng trưng nhất là phần bản quyền truyền hình thì không bán được (chủ yếu là cho không, thậm chí còn phải chi ra để được lên sóng truyền hình nhằm đáp ứng nhu cầu nhà tài trợ) thì lấy gì mà chia các đội.
Chủ tịch Thai-League Ong Art-Kosingkha phát biểu với báo chí khu vực: “Thai-League tự hào đứng vào tốp 10 châu Á và số 1 Đông Nam Á. Sự thành công đó là nhờ chúng tôi tạo dựng nên những đối tác mạnh, có uy tín cao và trách nhiệm của những CLB Thai-League. Đó cũng là động lực để cầu thủ không ngừng phấn đấu giúp chất lượng ngày càng lên cao cũng như xây dựng chiến lược tiếp thị của từng CLB cũng như của giải rất tốt...”.
Sau khi đi học mô hình tổ chức từ Premier League và áp dụng vào Thai-League rất thành công, Chủ tịch Ong Art-Kosingkha đang khuyến khích các CLB hãy làm những biển quảng cáo điện tử như Muangthong, Buriram, Bangkok Glasses đang làm. Cách làm rập khuôn từ các giải châu Âu này mang lại hiệu quả cao hơn rất nhiều và thu hút các đối tác đến với các CLB nhiều hơn.
V-League với bản quyền truyền hình gần như cho không và khán đài trống vắng
Từ đó, liên hệ với V-League thì thấy thật nghịch lý. Báo cáo của trưởng giải cho thấy khán giả Việt Nam đến V-League bằng khán giả Thái Lan xem Thai-League nhưng các CLB Việt Nam chỉ nhận tiền bản quyền kiểu tượng trưng, còn Thai-League chỉ tiền bản quyền không thôi là đã có lãi.
Mỗi năm một CLB đá Thai-League nhận 200 triệu baht, tức 570.000 USD rồi đầu tư lại, xây dựng lực lượng và nhiều thứ khác chỉ hết một nửa còn lại lợi nhuận… ròng. Trong khi đó, bóng đá ta hầu hết các đội cứ mãi… ôm bầu sữa của các ông bầu và nhiều đội thì cũng phải nhận ngân sách của tỉnh là chủ yếu.
Vì thế mà những nhà tổ chức V-League nên có những thay đổi tích cực và đừng tự sướng V-League là số 1 Đông Nam Á nữa.
Con số ở Thai-League mà V-League không với theo kịp: + Năm ngoái, giai đoạn 1 Thai-League, lượng khán giả đến sân trung bình là 6.800 người/trận thì mùa này tăng lên 7.010 người/trận. + Ngoại binh Thai-League mỗi mùa mỗi giảm nhưng chất lượng giải và các trận đấu thì tăng. Mùa này Thai-League rút ngắn từ hơn 100 ngoại binh xuống còn 89 ngoại binh, trong đó 20 cầu thủ Brazil, 11 cầu thủ Nhật, 11 cầu thủ Hàn Quốc. |