V-League thành "vườn ươm", tuyển Việt Nam hưởng lợi
Giải bóng đá vô địch quốc gia 2022 (V-League 2022) đang trở thành sàn diễn cho rất nhiều cầu thủ trẻ.
Đây là tín hiệu tích cực với bóng đá Việt Nam nói chung, đội tuyển Việt Nam nói riêng.
CLB Đà Nẵng đang chơi tốt tại V-League 2022 nhờ dòng máu trẻ. Ảnh: VPF
Nhiều cầu thủ trẻ gây ấn tượng
V-League 2022 đang diễn ra hấp dẫn ở cả cuộc đua vô địch lẫn cuộc chiến trụ hạng khi các đội top đầu và top cuối cạnh tranh nhau từng điểm số. Ngoài ra, giải đấu năm nay cũng chứng kiến việc các đội bóng sử dụng nhiều cầu thủ trẻ, đem lại làn gió mới trên sân cỏ cả nước.
CLB Đà Nẵng có lẽ là đội gặt nhiều trái ngọt nhất khi tin dùng cầu thủ trẻ. Đội hình xuất phát của đội chủ sân Hòa Xuân luôn có ít nhất 3 cầu thủ lứa U23 xoay quanh 5 gương mặt là trung vệ Lương Duy Cương (22 tuổi), tiền đạo Phạm Đình Duy (20 tuổi), Nguyễn Phi Hoàng (19 tuổi), tiền vệ Phạm Văn Hữu (21 tuổi) và Nguyễn Trọng Nam (20 tuổi).
Chơi nổi bật hơn cả là Đình Duy và Phi Hoàng, những người trực tiếp đem về 3 chiến thắng cho đội bóng sông Hàn (tính tới hết vòng 9). Cụ thể, Phi Hoàng ghi 3 bàn giúp đội nhà đánh bại SLNA, Bình Định còn Đình Duy lập công đem về 3 điểm trước Nam Định. Nhờ sự đóng góp của những cầu thủ dưới 23 tuổi, Đà Nẵng đang chạy đua vô địch, trở thành một đội bóng đáng xem.
Hà Nội FC trở lại mạnh mẽ sau khởi đầu có phần chệch choạc một phần nhờ những nhân tố trẻ Bùi Hoàng Việt Anh (23 tuổi), Lê Xuân Tú (23 tuổi), Đoàn Văn Hậu (23 tuổi), Nguyễn Văn Tùng (22 tuổi), Nguyễn Hai Long (22 tuổi)… Vũ Tiến Long (21 tuổi) cũng được sử dụng như một phương án dự bị bên hành lang phải.
Ở Hải Phòng FC, HLV Chu Đình Nghiêm thường xuyên sử dụng Dụng Quang Nho (22 tuổi), Phạm Văn Minh (23 tuổi). Nhâm Mạnh Dũng (23 tuổi), Phan Tuấn Tài (22 tuổi) cũng được Viettel đưa vào sân đan xen với các đàn anh dày dạn kinh nghiệm.
Một đội bóng khác đang ở top đầu là SLNA cũng đang bay cao với những nhân tố trẻ. Đại đa số những cầu thủ khoác áo đội bóng xứ Nghệ đều dưới 30 tuổi, đáng chú ý là trung vệ Hồ Văn Cường (19 tuổi) hay tiền vệ Đinh Xuân Tiến (19 tuổi). Những trụ cột của SLNA như Sỹ Hoàng, Bá Sang, Văn Việt, Văn Lắm mới chạm mốc 23 tuổi.
Trong xu thế sử dụng cầu thủ trẻ, B.Bình Dương cũng thường để Trần Hoàng Bảo (21 tuổi) và Bùi Vĩ Hào (19 tuổi) ra sân. Bên cạnh đó, một số đội bóng khác như HAGL, Thanh Hóa… cũng thường để cầu thủ trẻ vào sân ở thời điểm thích hợp.
Rất lâu rồi, V-League mới được chứng kiến nhiều cầu thủ dưới 23 tuổi được chơi bóng như vậy. Điều này xuất phát từ việc chính những cầu thủ trẻ đó đã gây dựng được niềm tin khi thi đấu tốt ở các cấp đội tuyển.
Ngoài ra, ngoại trừ Bình Định, hầu hết các đội bóng đều không còn thói quen vung tiền mua nội binh mà hướng tới những cầu thủ đào tạo tại chỗ.
Xu thế cần phát triển
Theo HLV Hoàng Văn Phúc, Giám đốc kỹ thuật Hà Nội FC, việc nhiều đội bóng V-League sử dụng cầu thủ trẻ là tín hiệu đáng mừng cho bóng đá Việt Nam nói chung, các đội tuyển quốc gia nói riêng.
“Cầu thủ trẻ cần được trui rèn mới nhanh trưởng thành, nhất là ở độ tuổi 19 - 23. Vài năm trước, rất khó tìm những cái tên như vậy tại V-League nhưng giờ mọi chuyện đã khác. Tôi cho rằng đây là xu hướng cần phải được phát triển hơn trong tương lai, như vậy nền móng cho các đội tuyển mới được xây vững chắc”, ông Phúc nói.
Vị cựu HLV Quảng Nam cũng cho rằng, nhìn vào việc dùng cầu thủ trẻ cũng đã thấy được thực trạng công tác đào tạo trẻ của bóng đá Việt Nam. Những đội bóng có nguồn đào tạo trẻ ổn định như Hà Nội, SLNA, HAGL, Đà Nẵng thực tế mùa nào cũng cài cắm vài cầu thủ trẻ vào đội 1. Trong khi đó, một số đội như Hải Phòng, Bình Định, Sài Gòn FC, TP.HCM đào tạo còn hạn chế nên muốn sử dụng thì phải đi mượn.
Chuyên gia Vũ Mạnh Hải thì nhận định, việc nhiều đội bóng chú trọng sử dụng cầu thủ trẻ cho thấy bóng đá Việt Nam đang có một lứa trẻ tốt: “Niềm cảm hứng từ Thường Châu và một loạt thành công sau đó giúp nhiều cầu thủ trẻ khát khao rèn luyện và thể hiện mình hơn, để bây giờ chúng ta đang sở hữu một lứa cầu thủ trẻ vững chuyên môn và bản lĩnh tốt”.
Ông Hải còn nhấn mạnh, việc chăm lo cho cầu thủ trẻ, lớp kế cận là hướng đi đúng đắn, góp phần xây dựng chân đế cho bóng đá Việt Nam.
“Đây rõ ràng không phải hiện tượng một sớm một chiều mà các đội đều đang có ý thức thay đổi, tạo ra sự hứng khởi nhất định. Trước đây CLB thường chỉ quan tâm thành tích mà bỏ bẵng việc bồi dưỡng cho thế hệ trẻ nhưng giờ tư duy làm bóng đá tại V-League đã thay đổi, tôi thấy điều này rất đáng khích lệ”, ông Hải đánh giá.
Không ảnh hưởng tới thị trường chuyển nhượng Theo ông Nguyễn Minh Châu, chuyên gia chuyển nhượng tại V-League, việc các đội bóng dùng nhiều cầu thủ trẻ không ảnh hưởng nhiều tới thị trường chuyển nhượng. “Về phần ngoại binh, tất các đội vẫn mua đủ 3 suất và đa phần vẫn để họ cầm trịch hàng công, cầu thủ trẻ làm vệ tinh. Trường hợp cầu thủ ngoại chơi kém thì sẽ thay bằng cầu thủ nội để tạo đột biến. Bên cạnh đó, CLB nào cũng cần điểm tựa ngoại binh ở những thời điểm khó khăn, nhất là khi cầu thủ trẻ khó yêu cầu các em chơi bùng nổ cả mùa. Còn việc mua bán cầu thủ nội thì lâu nay vẫn vậy, chuyển nhượng chủ yếu theo dạng tự do sau khi đáo hạn hợp đồng”. |
Cập nhật nhanh chính xác và chi tiết nhất lịch thi đấu giải bóng đá vô địch quốc gia V-LEAGUE 2022.
Nguồn: [Link nguồn]