V-League tai tiếng…
Nhà tài trợ có còn muốn gắn tên vào chữ V-League?
Những ngày qua báo chí nước ngoài đã tăng liều lượng đề cập về V-League, đặc biệt là những hình ảnh điên rồ trên sân Thống Nhất chiều 19-2. Các tờ báo Singapore chủ yếu lấy lại thông tin của báo chí Việt Nam (VN) nhưng “ác” là tự thêm những lời bình thật đau lòng và đáng suy gẫm. Như tờ Today của Singapore có bài ra sáng 21-2 kết luận ở đoạn cuối:
“V-League là giải đấu chuyên nghiệp hàng đầu ở VN nhưng gắn liền với một lịch sử những vụ tai tiếng, dàn xếp tỉ số. Thường thì các trận đấu ở giải này, cầu thủ và người hâm mộ phản ứng rất mạnh về các quyết định của trọng tài…”.
Trên tờ Straits Times cũng của Singapore thì khai thác từ trận đấu được xem là hài kịch trên sân Thống Nhất chiều 19-2 để làm bài đinh khi đề cập hành động quay mông lại, không thèm bắt phạt đền của thủ môn Minh Nhựt cùng việc toàn bộ cầu thủ Long An đứng chơi không đá; còn cầu thủ TP.HCM thì mặc sức ghi bàn rồi lẳng lặng đi lên trong tiếng còi công nhận bàn thắng của trọng tài. Sau đó thì báo này lại gắn vào từ “điên rồ” và móc vào những sự cố mua bán độ bị phanh phui ở giải đấu hàng đầu VN…
Thủ môn Minh Nhựt giơ ngón tay “number one” giễu cợt khen đểu trọng tài Thư.
Không ít khán giả nước ngoài mua vé vào xem và cười cợt với hình ảnh xấu xí mà họ chưa bao giờ chứng kiến. Ảnh: PHẠM HUY
Hầu hết báo nước ngoài dùng từ “mannequin, ma-nơ-canh” để nói về hành động của các cầu thủ Long An đứng bất động như trời trồng để các cầu thủ TP.HCM mặc sức chuyền bóng cho nhau rồi ghi bàn.
Bài báo còn mô tả rất kỹ việc thủ môn Minh Nhựt có những hành động phản cảm trên sân mang tính xem thường đối phương và khán giả. Và cũng rất nhanh, báo này còn đăng cả chỉ đạo của Bộ VH-TT&DL VN đến với VFF về việc xử lý vụ việc tai tiếng. Thậm chí việc Chủ tịch CLB Long An Võ Thành Nhiệm từ chức cũng nhanh chóng được cập nhật.
Hầu hết nhiều bài báo nước ngoài khi viết về trận bóng chiều 19-2 trên sân Thống Nhất đều tỏ vẻ ngạc nhiên và đặt câu hỏi vì sao các cầu thủ Long An lại có thái độ như thế khi mà ngoài trọng tài còn có hàng ngàn khán giả mua vé vào xem hai đội thi đấu lại bị xem thường với những hình ảnh và thái độ phản cảm.
Các báo nước ngoài cũng trích đăng lời phát biểu của HLV Alain Fiard (HLV trưởng CLB TP.HCM) rằng ông đã trải qua đời cầu thủ và đi làm HLV nhiều nơi nhưng chưa từng chứng kiến các phản ứng như những cầu thủ VN ứng xử trong trận TP.HCM - Long An như thế.
Với những hình ảnh và clip đậm đặc cùng tần suất mà các báo trong nước lẫn nước ngoài dồn dập đề cập đến những hình ảnh xấu xí của bóng đá VN như thế, liệu có còn nhà tài trợ nào muốn gắn tên mình vào giải V-League?
Bóng đá VN từng than thở nhà tài trợ chính của bóng đá VN cũng là một nhà tài trợ cho Thai-League nhưng vì sao giá trị tài trợ cho Thai-League tăng gấp 7-8 lần giá trị tài trợ chính cho bóng đá VN. Đến nay thì điều này đã phần nào giải đáp được bức xúc đấy.
Không biết những nhà điều hành và chính các cầu thủ khi làm điều xấu xí đấy có bao giờ họ nghĩ rằng đồng lương mình được lĩnh chính là nhờ sự quan tâm của người hâm mộ mới dẫn đến những hiệu ứng từ các nhà tài trợ đổ tiền vào.
Ly nước đã đổ, làm sao hốt lại được?
Trăm dâu đổ đầu trọng tài Sau sự cố trên sân Thống Nhất chiều 19-2, trọng tài chính Nguyễn Trọng Thư phá vỡ luật im lặng của giới cầm còi khi tâm sự: “Ai nghĩ chúng tôi cố tình làm sai để nhận tiền của đội bóng là xúc phạm giới trọng tài quá. Chúng tôi rất bức xúc về cách phản ứng thiếu tôn trọng cuộc chơi, thiếu chuyên nghiệp của Long An và một số đội bóng khác ở V-League. Điều đáng sợ nhất là khi người ta xem việc phản ứng trọng tài là bình thường thì từ nay về sau giới trọng tài rất khó làm việc. Quyết định nào của trọng tài cũng sợ sai sẽ không thể nào hoàn thành nhiệm vụ. Còn nếu ban tổ chức, các đội bóng không còn tin tưởng trọng tài thì cứ việc thuê trọng tài ngoại, anh em trọng tài nội sẽ nghỉ”. |