V-League ngửa cổ nhìn ngân hàng
Không phải ngẫu nhiên Eximbank tổ chức đại hội cổ đông mà bóng đá Việt Nam lại quan tâm lớn.
Cũng không phải tự nhiên chuyện lời, lỗ trong từng quý của Eximbank là chuyện mà không ít nhà điều hành bóng đá nín thở theo dõi. Lâu nay nhịp lăn của trái bóng V-League hay lệ thuộc vào đồng tiền tài trợ của Eximbank và tất nhiên nhiều người hiểu rằng nhà tài trợ hạng sang này đến với bóng đá theo kênh riêng chứ không phải chuyện tranh giành của các doanh nghiệp trên thị trường vào lĩnh vực bóng đá.
Rõ nhất là ngoài Eximbank có ngân hàng nào “đấu” để dán nhãn lên chữ V-League hay tranh vài cái bảng quảng cáo, vài cái ngực áo hoặc chỗ đẹp trên sân như trước đây Đông Á, Maritime, NaviBank… nhảy vào.
Có lần tôi hỏi những nhà làm bóng đá rằng nếu Eximbank không đến với bóng đá vì “người nhà” dắt tay ấn vào và bắt phải đến thì sẽ ra sao?
Và mẫu số chung của các câu trả lời là: “Được đến đâu hay đến đấy!”.
Đã có thời bóng đá Việt Nam thở bằng tiền của ngân hàng khi rất nhiều đội bóng gắn cái đầu của ngân hàng vào để sống.
Và cũng đã có thời nhiều đội bóng bị bứt ống thở cũng vì những anh ngân hàng suy sụp kéo theo việc xóa sổ không ít đội bóng.
Ông Lê Hùng Dũng đắc cử Chủ tịch HĐQT Eximbank khiến nhiều người làm bóng đá thở phào
Bây giờ thì phần ống thở chung nhất liên quan đến đại cuộc V-League đang lệ thuộc rất nhiều vào cái gật hoặc lắc của Eximbank liên quan đến đại hội cổ đông thường niên. Có người khẳng định số phận của nó sẽ lệ thuộc vào việc ông Chủ tịch LĐBĐ Việt Nam Lê Hùng Dũng có còn làm chủ tịch HĐQT Eximbank nữa hay không? Và đúng là khi cả V-League ngoái nhìn đại hội cổ đông Eximbank thì nhiều người cũng cầu mong cho “người nhà” còn “có chỗ đứng” để tiếp tục se duyên cho bóng đá Việt với ngân hàng mà không đòi hỏi nhiều ở khâu tiếp thị…
Thế nên việc ông Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng tái đắc cử chức chủ tịch HĐQT Eximbank khiến nhiều người trong làng bóng thở phào vì ít ra vẫn còn thở được với “vốn ngân hàng” nhiều mùa bóng nữa.
Tự dưng lại thấy lo lo với số phận của một nền bóng đá không lệ thuộc vào chất lượng của chính nó và cũng không lệ thuộc vào lực hấp dẫn của một giải đấu mà lại tùy thuộc vào một con người.
Bao giờ thì bóng đá Việt Nam đủ cơ để các nhà đầu tư chen chân nhau vào tài trợ như giải nhà nghề Nhật hay Thai-League toàn các thương hiệu nổi tiếng chen vào giữ chỗ?