V-League mất giá do đâu?
V-League năm nay có Toyota đỡ thay cho Eximbank đã mừng húm nhưng có ai thấy “tủi thân” khi bóng đá Việt Nam nhận 30 tỉ đồng, còn cũng nhà tài trợ đấy bóng đá Thái Lan nhận tương đương 170 tỉ đồng?
V-League sau thời gian thở bằng tiền tài trợ của ngân hàng thì bây giờ bắt đầu hoang mang với những khoản mà những nhà tài trợ đang đòi cắt hay cân nhắc có nên tiếp tục với giải nữa hay không?
V-League với ý tưởng lấy tiền bản quyền truyền hình nuôi các đội bóng giờ vẫn trở lại với cảnh “năn nỉ” truyền hình để đáp ứng yêu cầu nhà tài trợ là giải đấu và bảng quảng cáo của nhà tài trợ có lên sóng.
Đầu giải, chính bầu Đức ban đầu có ý định đưa các cầu thủ trẻ đi Singapore đá S-League vừa tầm lại vừa không xuống hạng thì ông bầu này nghe bạn xui đá V-League để kéo khán giả đến sân. Và bầu Đức đã nghe bạn nhưng đến khi bị “hội đồng” (như ông bầu này nói) thì vẫn không thấy ai can thiệp. Hoặc ít ra cũng phải làm rõ để tránh sự bất công mà đội thì còng lưng đá trận nào cũng như trận nào, còn đội thì ngồi tính trên bàn mà cứ lấy điểm khỏe.
HAGL (áo xanh) - đội bóng của bầu Đức đang vật lộn trong cuộc chiến trụ hạng ở V-League
Gần nhất là FLC Thanh Hóa tưởng căng ra đá để tranh ngôi vô địch nào ngờ toàn đá kiểu tự sát để Đồng Nai hưởng trọn 3 điểm. Cái cách đá đó cũng giống với Hải Phòng “buông” cho Cần Thơ lấy 3 điểm thật nhẹ nhàng. Thế mà giám sát vẫn nhận xét tròn vo, còn trưởng ban tổ chức giải vẫn nói cứ như là giải không có tiêu cực.
V-League xuống giá là tại những nhà tổ chức, những người làm nhiệm vụ không trung thực với công việc của mình để khán giả đội nắng đội mưa đến xem rồi thấy bị lừa dối.
Thậm chí đến bầu Đức là phó chủ tịch VFF mà bây giờ ông cũng nói mình không quan tâm đến VFF đến VPF bởi ông quá nản với việc làm hay thì người khác hưởng, còn đội bóng lâm nguy cần tiếng nói nghiêm minh thì chẳng ai làm.
30 tỉ đồng và 170 tỉ đồng khác nhau không chỉ ở con số mà còn ở việc định giá hai nền bóng đá.