V-League kém xa Thai-League
Không phải ngẫu nhiên mà Chủ tịch CLB Hải Phòng chỉ trích lãnh đạo VPF không biết kiếm tiền tài trợ khi mới đây, hãng Toyota quyết định gia hạn hợp đồng tài trợ cho Giải Vô địch Thái Lan 8 triệu USD, gấp 6 lần khoản tiền mà họ dành cho V-League.
Trong hội nghị tổng kết mùa giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam năm 2015 diễn ra sáng 28-9, Chủ tịch CLB Hải Phòng Trần Mạnh Hùng đã công khai chỉ trích đích danh Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) phụ trách tài trợ về việc nhận lương hơn nửa tỉ đồng/năm nhưng 4 năm không kiếm nổi bản hợp đồng nào giá trị cho V-League. Trong bối cảnh nhiều đội bóng phải “chạy ăn từng bữa”, phát biểu của ông Hùng không hẳn đã vô căn cứ.
Dẫn chứng rõ nét nhất mà ai cũng thấy là những thương hiệu quảng cáo vốn xuất hiện đều đặn trên truyền hình, trước, trong và sau các buổi trực tiếp trận đấu V-League từ năm 2012 thì đến năm 2015 đã giảm hẳn. Ngoài một vài cái tên quen thuộc như Becamex IDC, HAGL, Đồng Tâm Group, LienVietPostBank..., hầu như không thấy xuất hiện thêm được một doanh nghiệp mới nào. Thậm chí, so với mùa đầu tiên khi VPF được thành lập để tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam từ cuối năm 2011, đã có một số nhà tài trợ lặng lẽ rút lui.
Công Phượng (trái) trong trận HAGL làm khách trước Đồng Tháp ở V-League 2015 Ảnh: QUANG LIÊM
Theo Chủ tịch HĐQT VPF Võ Quốc Thắng, trách Phó Tổng Giám đốc VPF Phạm Phú Hòa là chưa công bằng: “Nếu phủ nhận hết công lao anh Phạm Phú Hòa là không đúng. Anh Hòa đã làm hết sức. Đương nhiên, với góc độ tìm tài trợ, trách nhiệm của lãnh đạo công ty là rất lớn. Cá nhân anh Hòa mang các gói tài trợ về rất khó. Chúng tôi làm trên tinh thần tập thể. Sắp tới, chúng tôi phải bổ sung một phó tổng giám đốc bởi công việc rất nhiều”.
Vấn đề là lẽ ra phải nỗ lực tìm kiếm một giải pháp, một con đường sáng hơn thì năm nào tổng kết cuối mùa, VPF cũng cho rằng mùa giải thành công nhưng nhiều đội bóng vẫn than thở thiếu kinh phí. Thậm chí, một số đội bóng đã phải giải thể vì không có tiền duy trì hoạt động. Vẫn biết một nửa các đội dự V-League vẫn phải sống nhờ bao cấp từ địa phương, năm nào đi xin tài trợ cũng khó khăn. Song, nếu VPF kiếm được tiền giống như bóng đá Thái Lan, có lẽ vị chủ tịch CLB Hải Phòng - vốn bị dân trong nghề chê là không hiểu nhiều về bóng đá - cũng không phải lên tiếng “thuyết phục hội nghị” đến vậy.
Chỉ trước hội nghị tổng kết các giải bóng đá Việt Nam mùa giải 2015 đúng 3 ngày, Toyota gia hạn hợp đồng tài trợ cho Thai-League với khoản tiền lên đến 8 triệu USD, gấp 6 lần số tiền nhà tài trợ Nhật này chi cho V-League. Điều đáng nói, đó cũng không phải là nhà tài trợ lớn duy nhất của bóng đá Thái cấp CLB.
Cách đây chưa lâu, truyền thông châu Á rúng động khi kênh True Visions mua bản quyền Thai Premier League trong 3 mùa giải với mức giá kỷ lục 57 triệu USD, nghĩa là mỗi CLB Thái Lan sẽ nhận được ít nhất 12 tỉ đồng/mùa từ gói tài trợ ấy. Trước đó nữa, AIA Thái Lan đồng ý tài trợ cho 3 hạng đấu cao nhất của Thái Lan với số tiền lên tới 13 triệu USD. Đó là chưa kể hàng loạt hợp đồng nhỏ, hợp đồng song phương của các CLB ký trực tiếp với các đối tác trong nước và quốc tế.
Chỉ chừng đó đủ lý giải tại sao bóng đá Thái ngày một phát triển, trong khi nhiều đội bóng Việt ra sân thi đấu mà mang nặng tâm lý “rớt hạng đồng nghĩa với nguy cơ giải thể”. Khi ở thế không còn gì để mất, nhiều đội bóng, cầu thủ ra sân với tâm lý đá xấu, đá láo khiến khán giả quay lưng, nhà tài trợ ngại ngần cũng là điều dễ hiểu