V-League bao giờ thoát cảnh chầu rìa châu lục?
Việc Hà Nội FC và T.Quảng Ninh vừa bị loại khỏi AFC Cup 2017 một lần nữa cho thấy các CLB V-League vẫn chật vật tìm sự khẳng định ở đấu trường châu lục.
Ra biển là chìm
Vòng bảng AFC Cup 2017 vừa mới khép lại với sự thất vọng dành cho hai đại diện V-League. T.Quảng Ninh giành 4 điểm sau 4 lượt trận (bảng H, I chỉ có 3 đội) và không thể giành vé vào vòng tứ kết. Hà Nội FC tuy có thời điểm chơi khởi sắc nhưng cuối cùng cũng bị loại do kém Ceres (Philippines) chỉ số đối đầu dù đều giành 11 điểm sau 6 lượt trận. Công bằng mà nói, do AFC Cup chỉ là đấu trường hạng hai ở châu Á (tương đương Europa League ở châu Âu) nên các đội bóng nằm chung bảng với T.Quảng Ninh hay Hà Nội FC đều không quá mạnh. Mặc dù vậy, hai CLB của Việt Nam vẫn chấp nhận dừng bước ngay từ vòng bảng.
Thắng đậm Felda (Malaysia) nhưng Hà Nội FC vẫn phải chia tay AFC Cup 2017 ngay sau vòng bảng
Thực tế, việc các đại diện V-League chơi không thuyết phục ở đấu trường châu lục là thực trạng tồn tại bấy lâu nay. Mùa trước, B.Bình Dương cũng thua liểng xiểng ở AFC Champions League và nói lời chia tay sau chiến dịch vòng bảng với vỏn vẹn 4 điểm. Mùa giải 2015, kịch bản tương tự xảy ra với B.Bình Dương. Trong lịch sử, bóng đá Việt Nam chỉ có duy nhất Ninh Bình lọt vào bán kết AFC Cup năm 2013. Tuy nhiên, thày trò HLV Nguyễn Văn Sỹ cũng đã phải dừng bước trước Kitchee (Hong Kong) cùng tổng tỉ số 3-4. Đó cũng là mùa giải nhóm cầu thủ Ninh Bình bị phát hiện dàn xếp tỉ số ở chính giải châu lục dẫn tới hệ lụy là đội bóng cố đô tan rã (bầu Trường không muốn tiếp tục đầu tư). Mùa giải 2014, Hà Nội FC (khi đó là Hà Nội T&T) bị Erbil (Iraq) loại ở tứ kết khi thua trắng 3 bàn sau hai lượt trận.
Như vậy, nói đến hành trình của các CLB Việt Nam tại đấu trường châu lục vẫn chỉ là một màu u ám. Đánh giá về vấn đề này, HLV Phan Thanh Hùng, người dẫn dắt T.Quảng Ninh và trước đó là Hà Nội FC dự giải châu lục cho rằng: “Nói về trình độ, các đội bóng hàng đầu của chúng ta không thua kém nhiều, thậm chí là ngang bằng với các đội hàng đầu ở AFC Cup. Tuy nhiên, cái thiếu của chúng ta là kinh nghiệm và khả năng tổ chức thi đấu”.
Đá cho xong
Trong khi đó, lý giải việc các CLB V-League thường dừng chân sớm tại giải châu lục, ông Nguyễn Sỹ Hiển, Chủ tịch Hội đồng HLV Quốc gia chỉ ra hai nguyên nhân chính. Thứ nhất, các đội bóng Việt Nam không có động lực thi đấu, vươn ra tầm châu lục mà chỉ đá theo kiểu cho xong nên nhiều thời điểm thái độ rất hời hợt. Thứ hai, trình độ chuyên môn của V-League đang thua kém ngay cả các giải trong khu vực. Chính vì thế, các CLB Việt Nam khi thi thố sẽ lép vế. “Nếu muốn cạnh tranh sòng phẳng, chúng ta phải nâng cấp đội hình bằng những ngoại binh thật giỏi, có kinh nghiệm chinh chiến đỉnh cao. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào điều kiện tài chính”, ông Hiển phân tích thêm.
Đồng quan điểm với ông Nguyễn Sỹ Hiển, chuyên gia Đoàn Minh Xương khẳng định, các CLB V-League không có sự quyết tâm cao nhất về mặt tinh thần cũng như thiếu nguồn tài chính dồi dào. “Rõ ràng việc thi đấu thành công ở giải châu Á là tiền đề giúp các đội bóng quảng bá thương hiệu. Thế nhưng, những đội bóng hàng đầu Việt Nam lại thiếu quyết tâm và có vẻ không muốn thoát khỏi “ao làng”. Ngoài ra, tham dự nhiều giải đấu đồng nghĩa đội bóng phải bỏ ra nhiều chi phí hơn. Trong hoàn cảnh hiện nay, các CLB V-League khó đáp ứng được yêu cầu tài chính để rong ruổi trên nhiều mặt trận. Vì lẽ đó, nhiều đội bóng còn muốn bị loại càng sớm càng tốt”, ông Xương chia sẻ.
Ngoài ra, cũng theo ông Đoàn Minh Xương, các đội bóng Việt Nam không có đủ nguồn cầu thủ để dàn sức thi đấu ở nhiều đấu trường. “Mỗi CLB khi muốn thi đấu tốt ở các mặt trận khác nhau thì phải có nguồn cầu thủ dồi dào. Nhưng các CLB mạnh ở V-League đa phần đều hạn chế về mặt lực lượng. Vì thế, buộc phải lựa chọn, đá giải này thì bỏ giải kia bởi nếu cố gồng gánh thì cuối cùng không thể hoàn thành bất kỳ mục tiêu nào. Với các đội bóng chuyên nghiệp ở nước ngoài, việc dự giải châu lục là điều họ mong mỏi nhưng ở Việt Nam nó giống như gánh nặng”, ông Xương kết lại.
Trọng tài Việt Nam vốn được hưởng đãi ngộ cao, nhưng sức ép cũng không nhỏ.