V-League 2019 rực lửa: ĐT Việt Nam thăng hoa, CLB tụt hậu - nghịch lý trớ trêu
Trong hơn 1 năm qua, bóng đá Việt Nam không chỉ trở thành “vua” của khu vực Đông Nam Á, mà còn đang mạnh mẽ vươn tầm châu Á. Dù vậy, ở khía cạnh CLB, bóng đá Việt lại tụt hậu một cách lạ kỳ.
Các pha bóng đáng chú ý của các sao ĐT Việt Nam trận Bangkok United - Hà Nội
Các cấp độ đội tuyển của bóng đá Việt Nam liên tục thể hiện sức mạnh đáng khen ngợi. Năm 2017, U20 Việt Nam tham dự World Cup U20 - giải vô địch thế giới dành cho lứa tuổi U20. Và mặc dù không thể tiến sâu ở giải đấu tại Hàn Quốc thì việc lần đầu tiên tham dự World Cup (dù là lứa U20), cũng rất đáng khen ngợi với bóng đá Việt Nam.
Bảng xếp hạng các CLB theo quốc gia, và Việt Nam vừa rơi 4 bậc
Với bước đà ấy, năm 2018 chứng kiến sự thăng hoa tột bậc của các các cập độ đội tuyển Việt Nam. U23 châu Á trở thành kỳ tích chói lọi, làm rạng danh nền bóng đá Việt. Với bộ khung đã làm nên kỳ tích “Thường Châu tuyết trắng” ấy, Việt Nam tiếp tục trở thành đối thủ khó chịu với các đội bóng lâu nay được xem là “ông kẹ” của bóng đá châu Á. U23 Việt Nam đi đến bán kết ASIAD 2018, trong khi ĐTQG Việt Nam thì đi đến tứ kết Asian Cup 2019 - giải vô địch châu Á.
Có thể khẳng định rằng bóng đá Việt Nam - ít nhất là ở các cấp độ đội tuyển, đã vươn lên tầm vóc châu lục. Cho dù còn một khoảng cách không hề nhỏ giữa ĐT Việt Nam với các ông lớn như Nhật Bản, Qatar, UAE, Iraq, Iran… nhưng “Những ngôi sao vàng” với tài thao lược của HLV Park Hang Seo, đang tiến nhanh và vững chắc trên đấu trường châu lục.
Dù vậy, bức tranh các câu lạc bộ Việt Nam thì lại vô cùng ảm đạm. Trong lúc ĐTQG Việt Nam lọt vào top 100 thế giới và top 8 châu Á, thì bảng xếp hạng các CLB Việt Nam trên đấu trường châu lục lại giảm tới 4 bậc. Hiện các CLB Việt Nam chỉ xếp hạng 21 châu Á, thua tới 4 đội bóng Đông Nam Á khác là Thái Lan (xếp hạng 8), Malaysia (13), Philippines (16) và Singapore (20).
Bảng xếp hạng này dựa trên thành tích của các CLB Việt Nam ở đấu trường châu Á những năm qua. Và rõ ràng đây là một thực trạng đáng buồn. Ở 2 giải đấu châu lục dành cho các CLB là AFC Champions League và AFC Cup, các đội bóng Việt Nam không giành được kết quả tốt, và thường chỉ xem mặt trận này là “gánh nặng” và tham gia theo kiểu cho có, chứ không hề có tham vọng tiến sâu.
Hà Nội FC (áo tím) đang cố gắng trở thành đầu tàu của Việt Nam ở sân chơi châu lục
Khi các CLB không có tiếng nói trong khu vực và cả châu lục, thì đây là một thiệt thòi lớn với các cầu thủ. Phải đến khi ĐT Việt Nam ghi danh ở Asian Cup 2019 hay trước đó là AFF Cup 2018, thì những Công Phượng, Văn Lâm, Xuân Trường mới có cơ hội xuất ngoại. Trong khi đó, lẽ ra việc các CLB nước ngoài để mắt đến các ngôi sao của bóng đá Việt phải xuất từ những giải đấu như AFC Champions League hay AFC Cup.
Đã đến lúc các CLB của Việt Nam cần nhìn rộng ra cả sân chơi khu vực và châu lục, quên đi tư tưởng “ao làng” V-League. Hiện tại Hà Nội FC đang nỗ lực để trở thành cánh chim tiên phong của bóng đá Việt Nam ở đấu trường châu lục, bằng việc hạ quyết tâm tiến sâu AFC Champions League 2019. Và nó có thể là cú hích cho các CLB khác, để họ thấy được rằng tham dự đấu trường châu Á không phải là gánh nặng, mà là niềm vinh dự lớn lao.
Kể từ khi AFC Champions League ra đời mùa giải 2002/03, đến nay chỉ mới có 7 trong 16 mùa giải Việt Nam có đại diện tham dự. Điều đáng nói, trong giai đoạn từ 2004 - 2008, các CLB Việt Nam liên tục tham dự giải đấu này. Tuy nhiên, từ năm 2009 đến nay - tức đã tròn 10 năm, thì chỉ có 2 đại diện Việt Nam góp mặt và đều không để lại dấu ấn. |
Mùa giải 2019, CLB Hà Nội vẫn là ứng viên nặng ký nhất cho ngôi vô địch nhờ dàn cầu thủ đồng đều và có nhiều tuyển thủ quốc gia trong đội hình. Liệu đội bóng nào đủ sức phết truất ngôi vương của đội bóng thủ đô? Mời đón đọc P3 vào sáng 19/2!