V-League 2019 rực lửa: ĐT Việt Nam rạng danh châu Á, các CLB hưởng lợi thế nào?
U23 Việt Nam & ĐT Việt Nam đã có 1 năm vẻ vang, nhưng V-League 2019 thực sự hưởng lợi được bao nhiêu từ những thành công đó?
Nhìn lại trận tứ kết lượt về Cúp quốc gia 2018, Hà Nội - HAGL (Clip theo BongdaTV, VTVcab):
Hào hứng kiểu thời vụ
Với những danh hiệu và chiến tích mà HLV Park Hang Seo và các học trò giành được, người hâm mộ một lần nữa có niềm tin vào bóng đá nước nhà, nhưng câu hỏi là V-League 2019 và các CLB tham dự sẽ thu được gì?
Xuân Trường & Công Phượng xuất ngoại sau 1 năm thành công của ĐT Việt Nam
V-League 2018 đã chứng kiến một sự quan tâm đáng kể từ dư luận trong nước sau thành công của tuyển U23 Việt Nam tại giải U23 châu Á, và lượng khán giả đến sân tăng nhiều so với mùa giải trước. Nhưng sự tăng trưởng đó chỉ diễn ra ở những CLB có nhiều tuyển thủ góp mặt trong đội hình U23 như CLB Hà Nội và HAGL, và lượng khán giả bắt đầu giảm dần khi mùa giải đi được nửa chặng đường.
Có lẽ cứu cánh duy nhất cho các CLB là những tuyển thủ ngôi sao của tuyển U23 vẫn chơi với phong độ tốt, những Công Phượng, Đức Chinh đều có lúc cạnh tranh ngôi Vua phá lưới nội với Tiến Linh, còn Văn Hậu, Quang Hải, Duy Mạnh & Đình Trọng đóng vai trò quan trọng trong hành trình vô địch một cách áp đảo của CLB Hà Nội. Nhưng chỉ có các CLB có họ là hưởng lợi từ lượng khán giả tăng, chứ không nói lên lợi ích tổng thể của V-League.
Nhiều CLB V-League đã từ lâu thèm thuồng cảnh những khán đài cuồng nhiệt trên sân của Nam Định, nhưng chỉ có Hà Nội & HAGL có vẻ đủ sức kéo người xem tới Hàng Đẫy & Pleiku. Ngay cả Hàng Đẫy mùa trước cũng chưa kín mọi chỗ ngồi ở nhiều trận mặc dù Hà Nội không những đông sao U23 & ĐTQG mà còn chơi tấn công rất đẹp mắt và bất bại trên sân nhà ở V-League.
Chưa kể Xuân Trường & Công Phượng xuất ngoại sẽ khiến sức hút khán giả của chính HAGL và cả V-League bị đặt dấu hỏi. Đội tuyển nhà đã làm vẻ vang nền bóng đá, nhưng tính thời vụ của khán giả e rằng vẫn khó xoay chuyển, người ta sẵn sàng lấy xe ra đường “đi bão” nhưng lưỡng lự khi mua vé vào sân nuôi sống CLB và các cầu thủ.
Thuốc kích thích sao trẻ
Nếu các CLB không thể trông cậy vào khán giả nhà để tự nuôi sống mình bằng tiền vé và các doanh thu thương mại khác, V-League 2019 có thể sẽ lại là sân chơi để các cầu thủ nội còn ở lại thể hiện tài năng để hy vọng họ gây chú ý tới các CLB nước ngoài.
Sau giải U22 Đông Nam Á 2019, nhiều thành viên của U22 Việt Nam sẽ có thêm động lực tỏa sáng ở V-League
Sau Asian Cup một làn sóng xuất ngoại đã diễn ra khi Văn Lâm, Xuân Trường, Công Phượng đều đã sang Thái Lan & Hàn Quốc, trong khi Quang Hải, Văn Hậu và thậm chí cả Văn Quyết (dù không còn trẻ) cũng được mời mọc hậu hĩnh. Thành công của ĐTQG giờ là một tấm vé rất giá trị để được kiếm ăn & sinh sống sung túc ở nước khác thay vì cảnh ăn đong của V-League (Văn Đức nhận lương 7 triệu đồng/tháng ở SLNA là ví dụ).
Cầu thủ ở những đội như Hà Nội, Viettel, HAGL thì không phải lo nghĩ chuyện tiền bạc, nhưng vị thế được nâng cao của V-League gần đây sẽ khiến các tuyển trạch viên nước ngoài quan tâm, và cầu thủ nội ở các đội bóng nghèo cũng sẽ có cơ hội xuất ngoại nếu tỏa sáng, mang lại phí chuyển nhượng để nuôi CLB chủ quản. Các CLB sẽ có lý do để trọng dụng hơn những tài năng bản địa nhiều tiềm năng và các cầu thủ trẻ cũng sẽ đá quyết tâm hơn để được cân nhắc cho tuyển U23 hay thậm chí ĐTQG.
Một số CLB đào tạo trẻ hời hợt trong nhiều năm (Hải Phòng) cũng sẽ phải chấn chỉnh lại khâu làm bóng đá trẻ. Còn về phần cá nhân, chắc chắn nhiều cầu thủ của tuyển U22 Việt Nam sẽ cố gắng chơi tốt ở đội tuyển để hy vọng được đoái hoài khi V-League khởi tranh, và các đồng nghiệp cùng lứa của họ ở các CLB khác cũng sẽ quyết không chịu kém.
Trong cảnh phải chạy ăn từng bữa, sống bằng tiền bán cầu thủ có khi lại là một cách thoát nghèo cho những Nam Định, Thanh Hóa và Sông Lam Nghệ An. Đó có lẽ là cơ hội kiếm lợi lớn nhất mà ĐTQG sắp mang lại cho V-League 2019.
Tuyển thủ U22 Việt Nam khoác áo các CLB V-League | |||
CLB | Cầu thủ | Năm sinh | Vị trí |
HAGL | Âu Dương Quân | 2000 | Trung vệ |
Dụng Quang Nho | 2000 | Hậu vệ | |
Trần Thanh Sơn | 1997 | Tiền vệ | |
Trần Bảo Toàn | 2000 | Tiền vệ | |
Phan Thanh Hậu | 1997 | Tiền vệ | |
Lê Minh Bình | 1999 | Tiền vệ | |
Viettel | Nguyễn Hữu Thắng | 2000 | Tiền vệ |
Trương Tiến Anh | 1999 | Tiền vệ | |
Đinh Thanh Bình | 1998 | Tiền đạo | |
Nhâm Mạnh Dũng | 2000 | Tiền đạo | |
Trần Danh Trung | 2000 | Tiền đạo | |
Bình Dương | Nguyễn Hùng Thiện Đức | 1999 | Hậu vệ |
SLNA | Mai Sỹ Hoàng | 1999 | Hậu vệ |
Đà Nẵng | Bùi Tiến Dụng | 1998 | Tiền vệ |
Hải Phòng | Lương Hoàng Nam | 1997 | Tiền vệ |
Bóng đá Việt Nam đang tồn tại 1 nghịch lý: ĐTQG thăng tiến mạnh mẽ lập kỳ tích châu lục, nhưng các CLB lại yếu đi và bị tụt hạng trên BXH các CLB khu vực và châu Á. Mời đón đọc phần 2 vào sáng 18/2!
Thành tích đội tuyển Việt Nam hơn 1 năm qua sẽ giúp V-League được chú ý nhiều hơn.