V-League 2015: Dài nhất và hồi hộp nhất
Chỉ còn hai tuần nữa V-League 2015 sẽ khai mạc nhưng đến nay nhà tài trợ chính thay Eximbank vẫn chưa được công bố.
Chắc chắn là VPF và VFF không chơi trò ú tim hay muốn có bất ngờ vào giờ chót mà là mọi thứ vẫn còn đang chờ thương thảo. Một nguồn tin không chính thức cho rằng sẽ có một đơn vị của Nhật nhảy vào tài trợ với mức ngang bằng hoặc hơn Eximbank mùa qua.
Nếu thực sự đúng như thế thì rất đáng trân trọng trong giai đoạn V-League xuống cấp và vụ án Đồng Nai làm độ vẫn chưa được đưa ra xét xử.
Ban tổ chức cuối cùng đã thở phào khi Đồng Tháp đã tìm được nguồn lực tài chính để tham dự giải làm tròn con số 14 đội theo kế hoạch. Vấn đề còn lại là liệu đường dài có đội nào chán quá bỏ cuộc, hay vì gánh nặng tài chính mà xin rút lui, hay lại chuyện làm độ như cái huông của hai giải qua.
V-League 2015 đứng trước thách thức rất lớn đó là làm sao phải lấy lại hình ảnh và thương hiệu của mình để giữ nhà tài trợ mới (nếu có) hoặc tiếp thị cho các nhà tài trợ đang cân nhắc có làm đối tác với V-League hay không.
Một giải đấu mà các HLV sẽ rất khó khăn khi điều chỉnh trong những quãng nghỉ dài bằng những bài tập duy trì mà cầu thủ thì vẫn ở chế độ cao. Ảnh: XUÂN HUY. Đồ họa: BB
Đây là một mùa bóng kéo dài kỷ lục trong lịch sử các V-League. Khi mà ngày 4-1-2015 sẽ khởi tranh nhưng phải đến 20-9-2015 mới kết thúc. Một giải đấu kéo dài suốt chín tháng 16 ngày đã phá kỷ lục của mùa 2012 (tám tháng 19 ngày).
Sở dĩ có thời gian quá dài như thế là vì hai quãng nghỉ đều để phục vụ cho đội U-23 tập trung làm nhiệm vụ (xem biểu đồ). Với hai quãng nghỉ mỗi lần kéo dài gần hai tháng thực sự là điều rất nguy hiểm đối với các HLV.
Nó có thể kéo dài sự hưng phấn cần thiết và trong hai quãng nghỉ đấy việc giữ cho cầu thủ có phong độ là cả một vấn đề. Nói như giới chuyên môn là V-League 2015 có đến ba giai đoạn và hai quãng nghỉ trong suốt 26 vòng đấu với 182 trận buộc các HLV phải duy trì những quãng nghỉ bằng một phương pháp khoa học.
Trong hai quãng nghỉ đấy lần đầu đội U-23 Việt Nam tập trung thi đấu giải U-23 AFC tại Malaysia vào cuối tháng 3 và lần sau là SEA Games 28 tại Singapore từ cuối tháng 5 đến giữa tháng 6. Đó là chưa kể giai đoạn cuối có thể bị giật cục vì đội tuyển Việt Nam tham dự vòng loại World Cup.
Một giải đấu vừa dài vừa ngắt quãng chắc chắn sẽ ảnh hưởng nhiều đến việc điều chỉnh của HLV các đội và đặc biệt nguy hiểm với những đội bóng nghèo phải tính đến quỹ kinh phí duy trì.
Hai tuần nữa V-League bắt đầu nhưng đến nay mọi thứ đều vẫn ở chế độ chờ trong khi phần nổi cộm nhất lại là những vụ kiện cáo của các cầu thủ Đồng Tháp muốn được tự do tìm bến đỗ mới.
Dài nhất và hồi hộp nhất là thế.