Ứng xử với nghi ngờ
AFF Cup 2014 đã kết thúc với bóng đá Việt Nam nhưng dư âm dai dẳng của giải đấu chắc chắn còn ám ảnh đến những ai còn quan tâm nền bóng đá nước nhà. Rất nhiều câu hỏi đã được đặt ra về một giải đấu mà đội chủ nhà bảng A đã kết thúc trong nước mắt.
Sau những thất bại khó hiểu của đội tuyển, dư luận thường có thói quen đặt ra nghi vấn. Người ta cố “nghe” xem trận đấu có “mùi” hay không. Không thể trách sự đa nghi bởi người hâm mộ đã bị phản bội niềm tin quá nhiều, quá khứ xa đến những vụ “làm độ” gần đây, từ giải V-League cho đến AFC Cup, mới nhất là 2 đường dây dính đến nhóm cầu thủ V.Ninh Bình và Đồng Nai.
Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng là người đầu tiên đặt ra nghi vấn về sự bất thường trong trận thua khó hiểu đêm 11-12. Hai khóa làm phó chủ tịch VFF, ông Dũng hai lần thẳng thắn đặt ra nghi vấn năm 2009 và 2012, ông đã hiểu rõ nền bóng đá này và thói hư tật xấu của các tuyển thủ.
ĐTVN cần đứng dậy sau thất bại
Đêm 11-12, khi ông Dũng tuyên bố: “Không thể không nghi ngờ về trận thua bất thường này” và “nhờ các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra” sau thất bại của tuyển quốc gia ở trận bán kết lượt về AFF Cup 2014, nhiều người lại thêm một lần chứng kiến niềm tin luôn là thứ xa xỉ với bóng đá Việt.
Tuyển Việt Nam đã phải trải qua hành trình dài để có được gương mặt mới như hiện nay nhưng quá trình họ gây dựng niềm tin sẽ còn mất một quãng đường dài hơn nữa. Khi nói về trận thua, HLV trưởng T.Miura đánh giá đó là một trong những trận tệ nhất trong sự nghiệp cầm quân của ông. Ông tin các học trò và cũng không đổ lỗi cho cá nhân hay hàng thủ. Nhà cầm quân người Nhật Bản có thể chưa có những va chạm với “bệnh” của bóng đá Việt Nam nhưng cái cách ứng xử với một trận đấu khó hiểu của ông vẫn rất rõ ràng.
Tuyển Brazil thua tuyển Đức tới 1-7 ở trận bán kết World Cup 2014 ngay trên sân nhà, người Brazil cũng rất đau và bị tổn thương. Tuy nhiên, không một quan chức hay một luồng dư luận nào nghi ngờ các cầu thủ Brazil có vấn đề về tư tưởng khi cảnh sát, các nhà điều tra chưa đưa ra bằng chứng rõ ràng.
Tất nhiên, muốn người ta không nghi ngờ thì giải đấu, một nền bóng đá ấy cần có “lý lịch” trong sạch, cơ chế phối hợp để kiếm soát, ngăn ngừa “vòi bạch tuộc” dàn xếp tỉ số. Năm nay, bóng đá Việt Nam đã 2 lần phát hiện những vụ “nhúng chàm” ở các CLB chuyên nghiệp.
Với bóng đá Việt Nam, vấn đề dường như không phải là chuyện nghi ngờ, mất lòng tin mà là cách ứng xử với chuyện nghi kị, với những thứ từ lâu cứ xảy ra là người ta phải nghĩ đến tiêu cực thay vì tai nạn, sơ sẩy chuyên môn. Ứng xử với chuyện ấy mới thể hiện tầm vóc và tương lai của nền bóng đá này.