U23 VN trắng tay: Ai chịu trách nhiệm?
So với lần bị loại trước bán kết ở SEA Games 21 năm 2001 thì thái độ của người hâm mộ tại SEA Games 27 này dửng dưng hơn. Và đấy là điều đáng lo ngại khi U23 VN trắng tay ở ao làng SEA Games.
Video phỏng vấn HLV Hoàng Văn Phúc:
Cựu trợ lý HLV đội tuyển bóng đá Việt Nam qua nhiều đời HLV ngoại, Vũ Tiến Thành đã phân tích sau một thất bại rằng đây là cái thua được báo trước bởi những người hoạch định ra lộ trình bóng đá không phải là dân bóng đá. Bên cạnh đó, việc HLV Hoàng Văn Phúc một mình một giáo án đã không có những phản biện cần thiết, hay nói đúng hơn là không có những người đủ tầm thực sự để tham gia việc hoàn thiện một giáo án.
Cá nhân tôi lại có một góc nhìn khác hơn sau một thất bại. Đó là rất ít thấy sự đau đớn, tiếc nuối nơi người hâm mộ bởi niềm tin đã cạn dần qua năm tháng. Và cũng vì thế mà trong tôi có suy nghĩ nếu thay cho 11 cầu thủ cúi đầu rời sân là 11 thành viên trong Ban chỉ đạo của VFF thì người hâm mộ sẽ đón nhận thất bại này như thế nào?
Thất bại tại SEA Games 26 còn có cái để đổ thừa là HLV người Đức Falko Goetz, nhưng với thất bại này thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm chính sau khi ông Trưởng Ban chỉ đạo bóng đá đã rút lui khỏi chiếc ghế ở VFF để lại “di sản hỗn độn”.
Khi VFF thành lập Ban chỉ đạo trước SEA Games, tôi chú ý nhất việc rút lui của ông Chủ tịch Hội đồng HLV Nguyễn Sỹ Hiển bởi xét cho cùng so với các thành viên được đề nghị vào Ban chỉ đạo thì ông Hiển là người có chuyên môn nhất, cũng là người đã từng là Đoàn trưởng Thể Công và từng làm HLV trưởng đội tuyển VN.
Ông Hiển chỉ nhận lời vào Bình Dương kể từ khi VFF “trảm” HLV Hoàng Văn Phúc sau trận cầu tai tiếng và ngồi ở đấy hết giải rồi xin rút và hẳn việc ông Hiển rút đã nói lên nhiều vấn đề.
Một thất bại được dự báo trước của U23 VN
Ông Hiển có chuyên môn cao, nên không khó để thẩm định những gì mà U23 VN chuẩn bị. Thậm chí là đến lúc đấy nếu mọi người cần ông phản biện thì ông biết cũng không thể thay đổi bởi suốt một quá trình dài tập huấn Hội đồng HLV đã trở thành người thừa khi lộ trình, kế hoạch… được trao cho Ban các đội tuyển của VFF thực hiện.
Tôi hoàn toàn không hiểu những quyết định của VFF trong việc cắt chức trưởng đoàn và HLV trưởng tại BTV Cup nhằm mục đích gì, hay là “chiêu trò” của những nhà làm bóng đá. Bởi sau BTV Cúp thì nhân sự ở đội tuyển thay đổi cùng với việc phục chức HLV trưởng sau màn ôm hôn cùng nước mắt của thầy trò HLV Hoàng Văn Phúc ngay khán đài VIP sân Bình Dương.
Tôi càng không hiểu những trò “thụt thò” của những nhà điều hành đặc biệt khi thấy ông cựu trưởng đoàn Trương Hải Tùng bị đẩy ra khỏi đội tuyển, nhưng rồi đến trận gặp Malaysia lại đứng ở khu kỹ thuật với ông trưởng đoàn mới Ngô Lê Bằng.
Người lớn tính nhiều quá và toàn tính cho mình thì làm sao cầu thủ có thể đạt được hiệu suất cao và phát huy tốt nhất những gì có thể?!.
HLV Hoàng Văn Phúc không phải là lựa chọn tốt nhất, nhưng khổ cho bóng đá Việt Nam ở chỗ đấy là lựa chọn duy nhất sau khi hàng loạt ứng viên được đặt vấn đề đều rút lui. Tại sao VFF không xem xét việc vì sao người tài đều rút, dù hiểu rất rõ nhiều người rút không phải vì sợ trách nhiệm mà vì sợ một cách điều hành mang nặng tính toán và đầy rẫy các biện pháp chữa cháy. Thậm chí có những thông tin “xì xào” rằng HLV Hoàng Văn Phúc rời lò Hà Nội T&T để làm HLV thường trực của VFF là một hình thức “chịu đấm ăn xôi” (?!).
Xét cho cùng U23 VN dự SEA Games lần này không yếu về con người, nhưng yếu ở khâu điều hành và chỉ đạo. Từ đó họ yếu cả niềm tin và yếu trong cách triển khai, cách ứng xử với từng đối thủ.
Một SEA Games mà giai đoạn tập huấn thắng như chẻ tre và đối thủ thì toàn ở dạng phong trào, hoặc đội trẻ ghép lại để đi làm kinh tế thì rất cần những phản biện.
Chỉ tiếc là giới truyền thông đã làm thay cái việc đó giúp VFF là gặp gỡ các chuyên gia tầm cỡ để đưa ra nhiều phản biện, nhưng những phản biện đấy đều bị bỏ ngoài tai.
Và bây giờ lại một SEA Games thất bại trong dự báo, nhưng cả một bộ máy thì vẫn bình chân như vại.
Điều đáng sợ nhất là công tác quản lý và điều hành khiến bóng đá Việt Nam xuống cấp chẳng bao giờ được mổ xẻ đến nơi đến chốn.
Có ai dám giơ tay nhận trách nhiệm hay đây là lỗi tập thể mà lỗi tập thể thì chẳng cá nhân nào chịu cả (?!).
Và vòng quay đáng sợ của bóng đá Việt Nam vẫn cứ thế.
Vì vậy mà đừng trách người hâm mộ sau khi chứng kiến trận thua tệ hại trước Malaysia đã giăng banderole: “Chuyển xem chị em và chờ mấy thằng em U19”.
Họ không trách các cầu thủ đã nỗ lực trên sân đâu mà trách những người điều hành bóng đá kém tài nhưng vẫn cứ vẽ hết lộ trình này đến lộ trình nọ…