U23 VN: Nghịch lý với đội tuyển đóng kín
Các đời HLV ngoại của đội tuyển Việt Nam hoặc U-23 chưa bao giờ “quy hoạch” một danh sách 26 cầu thủ trở thành một “hằng số” trước giải đấu hơn ba tháng…
Ngoài việc thời gian tập trung quá dài, nguyên nhân thất bại của U-23 Việt Nam còn do một danh sách không mở. Ban đầu với 26 cầu thủ chốt lại còn 22 cầu thủ sang Myanmar làm cho việc cạnh tranh để khẳng định hầu như bằng 0. Hầu hết các cầu thủ đều coi như mình chắc suất có mặt tại SEA Games 27 trừ những người chấn thương.
Hồi HLV Calisto, không bao giờ ông tuyên bố một danh sách bất di bất dịch bởi ông luôn mở và bổ sung liên tục lẫn đào thải nhằm tạo tính cạnh tranh. Ông thường xuyên mở danh sách kể cả các hạng dưới hay cầu thủ trẻ cho đến những ngày cận kề chốt danh sách đăng ký. Hẳn mọi người còn nhớ vua phá lưới V-League 2002 Hồ Văn Lợi bị loại và thay bằng Phạm Văn Quyến khi còn vài ngày nữa đội tuyển Việt Nam sang Indonesia dự Tiger Cup. Chính vì điều đó trong đội luôn tạo nên sức bật, sự cạnh tranh để khẳng định mình trong mọi hoàn cảnh.
Trước đó thời HLV Riedl cũng thế, Quang Hải phải chia tay đội một ngày trước khi U-23 Việt Nam sang Thái Lan dự SEA Games 24. Hay Thạch Bảo Khanh chỉ hai ngày trước khai mạc Tiger Cup mới biết mình bị loại…
Danh sách U-23 Việt Nam đóng từ lúc tập trung cho đến khi lên đường và đa phần bị loại vì chấn thương chứ không vì cạnh tranh. Ảnh: XUÂN HUY
Với HLV đội vô địch SEA Games 27 Kiatisak của Thái Lan cũng thế. Ông chỉ công bố danh sách dự SEA Games 27 trước tám ngày nhưng trước đó là cả một cuộc sàng lọc gắt gao. Kiatisak chọn toàn cầu thủ đá giải Thai-League với cách lý giải là mặt trận giải cao nhất quốc gia nên tính khốc liệt cao hơn hẳn hạng Nhất. Ở đấy cầu thủ được trui rèn tốt hơn. Trong cuộc sàng lọc đấy, HLV Kiatisak bị chỉ trích cũng nhiều nhưng cuối cùng ông đã chứng minh điều mình làm là đúng đắn, đặc biệt là cách chọn cầu thủ phù hợp với sự đa dạng của đội U-23 Thái Lan.
Trong khi đó ở thời gian đầu U-23 Việt Nam tập trung có rất nhiều cầu thủ không có tên trong danh sách U-23 nhưng chơi rất xuất sắc ở các giải khác như Văn Thạnh, Khắc Ngọc, Đình Bảo…
Nhìn các cầu thủ U-23 Việt Nam, nhất là những mũi công như Hà Minh Tuấn hay Mạc Hồng Quân thể hiện ở SEA Games khiến nhiều người nuối tiếc những cầu thủ trong độ tuổi trên đã không có cơ hội lên đội U-23 dù chỉ là để tập trung huấn luyện và tuyển chọn tạo tính cạnh tranh tích cực.
Ít người cạnh tranh, ít cả những phương án cần thiết Đội U-23 Việt Nam tập trung lâu và được “khen” là một thành phần “ổn định” (vì quá ít người để loại). Cũng chính sự “ổn định” đấy mà đội quá ít phương án thi đấu được đặt ra trong các tình huống dù quỹ trận tập huấn thì rất nhiều. Rõ nhất là qua các trận đấu đội chỉ thuộc một miếng đánh duy nhất. Cầu thủ không quen chơi kiểu phòng ngự phản công khi gặp đối thủ mạnh và cũng không chuyển hóa được lối chơi khi bế tắc. Ngay cả cái cách để hóa giải lối chơi bị đối thủ áp sát, đá rát hay phòng ngự số đông cũng không thấy được ứng dụng vì quá ít bài để “đánh”. Thậm chí là khi thua và cần tấn công thì phương án tăng thêm một tiền đạo hoặc hai tiền đạo cũng không thực hiện được vì chỉ có hai tiền đạo đá giống nhau nên phải chọn kiểu thay người khỏe hơn thay cho người bị kèm cặp quá nhiều. NG.HUY |