U23 VN: HLV Miura, U19 và cái bóng thầy Guillaume
Đội Olympic Việt Nam bắt đầu tập trung với thành phần có đến 11 cầu thủ năm ngoái còn khoác áo U19. Đây cũng là lần đầu các cầu thủ của Học viện HAGL – Arsenal JMG thoát khỏi cái bóng thầy Guillaume Graechen.
Có ý kiến cho rằng HLV Miura quá ưu ái cho các cầu thủ HAGL khi chọn đến 9 cầu thủ lên đội U23. Thực chất trong điều kiện bắt buộc phải là tuổi U22 (tham dự vòng loại U23 châu Á năm 2016 vào tháng 3 năm nay) thì danh sách 30 cầu thủ U23 đã vét gần hết những cầu thủ được xem là đã khẳng định qua đội U23 lẫn đội tuyển và những lứa cầu thủ có khả năng trong độ tuổi trên. Vấn đề còn lại là ông Miura sẽ phải kết hợp những cầu thủ này như thế nào theo cái cách vận hành của ông.
Lâu nay các cầu thủ U19 với nòng cốt là Học viện HAGL – Arsenal JMG đã chịu ảnh hưởng rất nhiều từ ông giáo Guillaume Graechen. Người được xem là có công rất lớn trong việc đưa các em vào môi trường bóng đá một cách quy củ, bài bản và sống với nhau như một gia đình, đồng thời hình thành lối chơi theo giáo án luyện gà nòi của Arsenal JMG.
HLV Miura đã bắt tay vào công việc với đội U23 Việt Nam
Guillaume Graechen là một ông giáo ở trường học giúp các em định hình được một phong cách cùng việc hoàn thiện kỹ thuật. Bây giờ, khi lên đội tuyển, HLV Toshiya Miura sẽ giúp các em có thêm những kỹ năng để “chiến đấu”, hay có thể nói là để thích nghi với trường đời, sân cỏ vốn cần những mưu mẹo trong chiến đấu và ứng phó được với những va đập, những cạm bẫy…
Lần đầu rời ông thầy Guillaume Graechen, chắc chắn sẽ có nhiều cầu thủ bỡ ngỡ về quan điểm chơi bóng, về cách vận hành dù nền tảng thì các em đã được tích lũy để trở thành những cầu thủ chuyên nghiệp.
Ông Miura qua những gì đã tác động đến đội U23 dự Asiad 17 và đội tuyển thi đấu ở AFF Cup 2014 đều cho thấy quan điểm của một lối chơi giàu thể lực, thực dụng với yêu cầu cầu thủ mình đá nhanh, đá đơn giản và ít chạm nhưng phải hiệu quả. Lối chơi đấy khác rất xa so với lối chơi mà các cầu thủ Học viện HAGL – Arsenal JMG được dạy thuần thục khi là học trò của thầy giáo Guillaume Graechen.
Xa ông thầy quen thuộc theo suốt mình 7 năm, những cầu thủ HAGL sẽ phải làm quen và tiếp cận với lối chơi mới. Nói đúng hơn là các em sẽ phải học cách “chiến đấu” thay cho sự trình diễn làm nên bóng đá đẹp mà hai năm qua ở cấp độ trẻ các em đã gây sốt ở làng bóng nước nhà.
Thay đổi một thói quen chắc chắn sẽ rất khó, nhưng cần phải hiểu và phải học giữa việc chuyển từ trường học sang trường đời, rồi phải học ở thao trường để “chiến đấu” thay cho trình diễn.
Ông Miura chắc chắn sẽ không thay đổi quan điểm về chơi bóng mà ông đã định dạng ở đội U23 lẫn đội tuyển. Ông càng không thể tạo những hạt nhân còn lại chơi quanh lối chơi của HAGL mà ông từng thẳng thắn nhìn nhận các cầu thủ này chưa đủ khả năng để chơi bóng đỉnh cao ở V-League vốn là đấu trường khắc nghiệt. Tuy nhiên ông Miura hoàn toàn có thể tận dụng những gì mà những cầu thủ U19 đã có và nâng chất thêm để vận hành ở đội U23 mà ông đang chuẩn bị cho vòng loại U23 châu Á.
HLV Miura và Công Phượng
11 cầu thủ năm ngoái khoác áo U19 (9 của HAGL và 1 của Viettel, 1 của SLNA) sẽ làm mới thêm cho bộ mặt đội U23, là những bổ sung cần thiết cho những cầu thủ đã có kinh nghiệm ở V-League lẫn từng khoác áo U23 lẫn đội tuyển.
Đấy cũng là lý do vì sao ông Miura khá khắt khe với truyền thông trong lần tập trung này. Ông đưa ra những quy định gắt gao về làm việc, cũng như về cách làm việc với truyền thông một phần cũng vì muốn bảo vệ cho các cầu thủ trẻ đã quen với nếp làm việc ở HAGL và hay bị khai thác đậm vì nhiều lý do khác nhau.
Ngoài ra cũng phải thừa nhận rằng ông Miura không muốn đội U23 của ông phải chịu những lệ thuộc nào. Cầu thủ dù cũ hay mới dưới thời ông Miura đều phải tuân theo một quy định chung dưới màu áo đội tuyển như ở đội trẻ.
Đó cũng là một cách làm hay và rõ ràng của ông Miura muốn thoát ra khỏi mọi cái bóng.