U23 VN đua bá chủ ASIAD: Báo châu Á khuyên đừng mơ huy chương, hãy đá cống hiến
U23 Việt Nam được khán giả nhà kỳ vọng rất nhiều ở ASIAD, nhưng việc đưa được cầu thủ ra thi đấu ở nước ngoài sau giải có lẽ quan trọng hơn.
Video U23 Việt Nam đặt chân tới Jakarta
ASIAD là sự kiện thể thao lớn nhất châu Á và đoạt huy chương là mục tiêu chiến thắng của tất cả các đoàn thể thao tham dự. Mỗi đoàn đều có kỳ vọng huy chương của mình và môn bóng đá cũng không ngoại lệ, thể hiện qua việc U23 Hàn Quốc gọi về tiền đạo Son Heung-min của Tottenham để tranh huy chương dù mùa giải Premier League vừa mới bắt đầu và Son đã đá ở World Cup.
Mục đích quan trọng nhất của Son Heung-min ở ASIAD là đoạt huy chương để tránh nghĩa vụ quân sự, kéo theo đó là kiếm nhiều tiền hơn từ đá bóng ở châu Âu
Tuy nhiên có những đội bóng đá nam U23 dự ASIAD năm nay lại đặt những mục tiêu khác hẳn. Nhật Bản chỉ mang quân U21 sang thi đấu với mục tiêu rèn kinh nghiệm để nhắm tới một tấm huy chương tại Olympic 2020 trên sân nhà. Hàn Quốc trên thực tế là ngoại lệ, họ mang đi những cầu thủ quá tuổi với hy vọng những cầu thủ này sẽ đoạt huy chương và qua đó thoát làm nghĩa vụ quân sự, còn các quốc gia châu Á còn lại dự World Cup 2018 đều mang quân tới ASIAD mà không có cầu thủ nào quá 21 tuổi.
Mục tiêu chiến thắng tại ASIAD do đó không nằm trong kế hoạch đề ra cho những U23 Nhật Bản hay U23 Iran. Ở một góc độ nào đó những quốc gia này đang coi ASIAD là sân chơi nuôi dưỡng tài năng trẻ cho các giải đấu lớn hơn, họ nhắm tới Asian Cup và lớn hơn nữa là World Cup thay vì cố tranh thành tích ở cấp độ Olympic.
Nhà báo Scott McIntyre của kênh FOX Sports Asia mới đây đã bình luận rằng ASIAD chỉ nên được xem là cơ hội để các đội tuyển phô diễn tài năng của các cầu thủ tham dự, và ai thắng ai thua thực sự không quan trọng. “Sẽ không có những cuộc diễu hành đường phố nếu vô địch hay những vụ đốt trụ sở LĐBĐ Nhật Bản nếu thất bại, bóng đá Nhật bản đang không đặt mục tiêu chiến thắng ở ASIAD”, McIntyre viết.
Bài viết của Scott McIntyre có nhan đề: "ASIAD là về sự phát triển, không phải chiến thắng"
Cơn sốt U23 Việt Nam từ đầu năm 2018 đã được McIntyre đưa ra trong bài viết của mình. Ông đã chỉ trích chiến thuật thi đấu phòng ngự nặng tính tiêu cực của U23 Việt Nam ở giải U23 châu Á hồi đầu năm, cho rằng chiến thuật bóng đá tiêu cực làm ảnh hưởng tới cơ hội được ra nước ngoài thi đấu ở những nền bóng đá mạnh hơn của các cầu thủ trẻ, nhất là các ngôi sao tấn công.
“Bất chấp những dư chấn đầy những lời ngợi ca và những phân tích về ‘câu chuyện cổ tích’ của U23 Việt Nam ở Trung Quốc, bao nhiêu cầu thủ trong số họ đã được mời sang thi đấu nước ngoài? Phải, một con số 0”, McIntyre viết.
Đã theo dõi những trận đấu gần đây của U23 Việt Nam, McIntyre bày tỏ hy vọng rằng lối chơi cởi mở hơn, chủ động tấn công hơn trong các trận giao hữu sẽ được mang sang ASIAD và được chia sẻ bởi các đội tuyển U23 khác.
"Bao nhiêu cầu thủ U23 Việt Nam đã được ra nước ngoài thi đấu? Phải, một con số 0"
“Lợi ích lớn nhất mà những nền bóng đá cần nhắm tới là cơ hội để cầu thủ của họ được thi đấu ở những CLB lớn hơn với cơ sở hạ tầng và trang thiết bị tập luyện tốt hơn, ở những giải vô địch quốc gia có nhiều cầu thủ giỏi hơn. Đó là lý do vì sao bóng đá ASIAD nên tập trung vào xây dựng nền tảng cho tương lai để các tài năng tấn công được tỏa sáng”, McIntyre bình luận.
“Các nền bóng đá mạnh nhất châu Á đã tỏ rõ sự thờ ơ với mục tiêu thắng/thua ở ASIAD và đó là một thông điệp đáng biểu dương. Quốc gia nào giành chiến thắng bằng thứ bóng đá phòng ngự tiêu cực lại được khen là câu chuyện thành công của bóng đá châu Á, điều đó chứng tỏ bóng đá châu Á đang đi sai đường”.
Lịch sử bóng đá Nepal, từ đội U23 đến ĐTQG, chưa bao giờ đi quá vòng 1 tại ASIAD.