U23 VN dự SEA Games 2003, giờ họ ở đâu? (Kỳ 3)
SEA Games 22 đã giới thiệu một lứa cầu thủ nhiều hứa hẹn cho bóng đá Việt Nam, nhưng không phải tất cả họ đều tận dụng được cơ hội của chính mình. Ngoài những gương mặt bị lạc lối, sau SEA Games 22, làng bóng Việt còn chứng kiến hàng loạt các tuyển thủ trẻ "chìm nghỉm" sau kỳ Đại hội trên sân nhà.
Những "nghệ sỹ" sớm rời đội tuyển
Còn nhớ trên sân nhà cách đây 10 năm, bóng đá Việt Nam đã trình làng hàng loạt các cầu thủ trẻ đầy triển vọng với những cái tên như Văn Quyến, Quốc Vượng, Tài Em, Lâm Tấn, Phan Thanh Bình... và một chàng tiền vệ có lối chơi khá mềm mại và đậm chất kỹ thuật là Nguyễn Tuấn Phong. Với khiếu hài hước, khuôn mặt, vóc dáng cũng như có nhiều động tác giống diễn viên lừng danh Rowan Atkinson, ngay từ khi chơi cho đội Công an TP.HCM (sau đổi tên thành Ngân hàng Đông Á thép Pomina), cái tên Phong “Bin” đã được đồng đội đặt cho anh.
Trong màu áo tuyển U23 Việt Nam trên sân Mỹ Đình cách đây đúng 10 năm, Tuấn Phong cùng với Quốc Vượng, Tài Em, Hữu Thắng trở thành những “buồng phổi” ở khu vực giữa sân. Với lối chơi hoa mỹ và một chút nghệ sỹ, Phong “bin” có phong cách khá đối lập với sự mạnh mẽ và có phần “rắn” của Quốc Vượng, chính điều này đã giúp tuyến giữa của HLV Alfred Riedl thời điểm đó trở nên mềm mại hơn.
Tiền vệ Tuấn Phong (phải) không còn là chính mình
Dù không thực sự là nhân vật nổi bật trong những trận đấu của tuyển U23 Việt Nam thời ông A.Riedl, nhưng cái tên Tuấn Phong vẫn được người hâm mộ hay giới cầu thủ nhắc đến nhiều. Nhưng kể từ khi kết thúc SEA Games 22, theo tiếng gọi của Giám đốc điều hành Phạm Phú Hòa và hai người bạn thân Việt Thắng, Tài Em, Tuấn Phong đã chia tay Ngân hàng Đông Á để về đầu quân cho Đông Tâm (nay là ĐTLA). Nhưng cũng kể từ thời điểm đó, cái tên Phong “bin” đã không còn được nhắc đến nhiều nữa.
Dười triều đại của HLV Henrique Calisto, ĐTLA đã từng 2 năm liên tiếp lên ngôi ở V-League 2005, 2006, nhưng so với Tài Em, Minh Phương, Việt Thắng,… những sự đóng góp của Tuấn Phong là khá mờ nhạt. Để rồi, những tháng ngày tiếp theo trong màu áo của “Gạch” hay cho đến hiện tại, Phong chỉ còn là cái bóng của chính mình.
Ở hàng tiền vệ ĐT U23 Việt Nam thời điểm đó, còn có một cầu thủ với thân hình khá mảnh mai như Tuấn Phong, thậm chí nhỏ con hơn. Đó là người con thứ hai của cựu tuyển thủ Đặng Gia Mẫn, tiền vệ Đặng Thanh Phương. Cùng lứa với những cầu thủ như Bảo Khanh, Quốc Trung, Anh Tuấn, Vũ Dũng, Thanh Phương đã bị thua thiệt hơn đồng đội của mình rất nhiều về ngoại hình, nhưng bù đắp lại anh lại có sự nhanh nhẹn, khéo léo và được ví như “chú sóc con”. Nhưng tài năng của Thanh Phương mới chỉ được ghi nhận ở các giải trẻ và thành công lớn nhất của cầu thủ nhỏ con này là giải U18 quốc gia năm 1998. Phương đã đoạt danh hiệu Cầu thủ hay nhất, Vua phá lưới và cùng Thể Công lên ngôi vô địch. Còn sau này, khi cùng tuyển U23 Việt Nam tham dự SEA Games 22 xong, Thanh Phương vì những chấn thương dai dẳng đã phải giã từ sự nghiệp cầu thủ sớm để chuyển sang công việc đào tạo trẻ ở Trung tâm bóng đá Viettel.
“Sớm nở chóng tàn”
Bóng đá xứ Nghệ đầu những năm 2000 có nhiều cầu thủ trẻ nổi danh ở CLB lẫn các đội tuyển trẻ quốc gia. Một cái tên sáng giá ở thời điểm đó là hậu vệ trái Lâm Tấn (SLNA), người chơi khá nổi bật ở đội hình U16 Việt Nam tại VCK U16 Châu Á năm 2000. Với khả năng bám biên trái tốt ở các đội tuyển trẻ, Lâm Tấn đã từng được kỳ vọng sẽ là tuyển thủ thay thế các thế hệ đàn anh ở ĐTQG. Tuy nhiên, Tấn đã không thể vượt qua được chính mình.
Chuyện kể lại rằng, trước trận chung kết quyết định với U23 Thái Lan ở SEA Games 22, khi Trương “Huế” phải vắng mặt vì thẻ phạt, Lâm Tấn và Đức Tuấn là hai cái tên được BHL nhắm đến cho vai trò hậu vệ trái. Trợ lý HLV Nguyễn Thành Vinh được phân công làm công tác tư tưởng để tiếp xúc trước với hai cầu thủ này. Khi ông Vinh đặt vấn đề, Lâm Tấn đã bày tỏ anh không thấy tự tin và ngần ngại không thể đảm nhiệm được vai trò ở trận chung kết quá nhiều sức ép này. Và sau đó, suất đá chính đã được trao cho Lê Đức Tuấn.
Lâm Tấn không cho thấy sự tiến bộ sau SEA Games 22
Ở xứ Nghệ, Lâm Tấn thuộc lứa với Văn Quyến, Như Thuật và họ đều là những cựu tuyển thủ U23 hoặc ĐTQG, nhưng cũng giống như hai người bạn thân của mình, Lâm Tấn cũng dần đánh mất chính mình trên sân cỏ bởi sự sa sút phong độ và những chấn thương liên tiếp. Để rồi sau khi bị Hà Nội.ACB (tiền thân của CLB bóng đá Hà Nội) thanh lý hợp đồng cách đây 2 mùa bóng, Lâm Tân lang bạt đủ nơi, từ hạng Nhất cho tới V-League để xin việc nhưng đều bất thành. Sau này, người ta vẫn thấy anh thường xách giày ra sân đá phủi ở TP Vinh.
Trên hàng tiền đạo, một chân sút cũng thuộc top có “số má” tại SEA Games 22 là Hoàng Phúc Lâm (Hà Nội.ACB thời điểm đó) từng được chờ đợi sẽ nối tiếp truyền thống của các thế hệ đàn anh Huỳnh Đức, Quốc Cường,… Ở những trận đấu của đội tuyển U23 Việt Nam, Phúc Lâm không có nhiều cơ hội khi vào thời điểm ấy cặp Văn Quyến – Thanh Bình là sự lựa chọn số 1 của ông Riedl cho hàng công. Lâm chơi xông xáo, nhiệt tình, nhưng kỹ thuật còn hạn chế và anh cũng chưa thể bứt lên để ghi điểm với các ông thầy để cạnh tranh với các “đàn em”. Trở về sau SEA Games năm đó, Phúc Lâm gần như “vĩnh biệt” hẳn với cái mác tuyển thủ trên người. Và cách đây vài năm, Phúc Lâm đã phải chính thức giải nghệ sớm và bước sang sự nghiệp đào tạo trẻ.
* Mời các bạn đón đọc lúc 7h sáng 21/3/2013: U23 VN dự SEA Games 2003, giờ họ ở đâu? (Kỳ 4)