U23 VN dự SEA Games 2003, giờ họ ở đâu? (Kỳ 2)
Tuy không giành được huy chương vàng ở SEA Games 22, nhưng thế hệ các học trò của ông Alfred Riedl thời ấy đã thực sự tạo ấn tượng với giới chuyên môn và người hâm mộ.
Năm 2003, đội tuyển U23 Việt Nam không đăng quang nhưng thành tích của giải đấu “giành bạc mà như vàng” đã thực sự là “bệ phóng” để cho những cầu thủ như Văn Quyến, Hữu Thắng, Quốc Vượng, Huy Hoàng, Tài Em, Minh Phương, Thanh Bình, Công Vinh, … trở thành những ngôi sao của làng bóng đá Việt Nam. Chỉ có điều, một số trong đội hình của “thế hệ vàng” ở SEA Games 2003 đã không giữ được mình và trở thành những “vết đen” trong ký ức của rất nhiều người về bóng đá nước nhà.
* Những “bóng ma” ở Bacolod
Sau SEA Games 2003, nhiều cầu thủ tuyển thủ U23 thời kỳ ấy đã sớm thành danh. Chính sự tung hô của dư luận, sự nuông chiều của không ít người trong cuộc, sự yếu kém về bản lĩnh trước những cám dỗ của cuộc sống, lối sống buông thả ở đằng sau những lần khoác áo tuyển đã “chôn vùi” không ít tài năng một thời đình đám ở SEA Games 22.
Chắc chắn người hâm mộ vẫn còn nhớ hình ảnh Văn Quyến, người được mệnh danh là “cậu bé vàng”, hay “thần đồng một thời” của bóng đá Việt Nam. Từ màn ra mắt ấn tượng ở tuổi 16 tại VCK giải U16 châu Á năm 2000, Quyến chỉ mất thêm đúng 3 năm để chinh phục mọi đỉnh cao. Trong 3 năm ấy (2001-2003), vinh quang, tiền bạc tới tấp rơi vào đầu Quyến cứ như thể một anh chàng trúng số. Đến ngay bản thân Quyến cũng không hiểu vì sao ông trời lại ưu ái mình như vậy…
Hai tài năng của bóng đá Việt Nam, Văn Quyến và Quốc Vượng nhưng đã lầm lỡ
Từng là cầu thủ trẻ xuất sắc nhất bóng đá Việt Nam năm 2000, 2002 khi mới 16- 18 tuổi và sau khi kết thúc kỳ SEA Games 22 trên sân nhà Văn Quyến đã được nhận luôn danh hiệu Quả bóng vàng Việt Nam 2003. Nhưng đây cũng chính là những danh hiệu cuối cùng của “Quyến béo”, bởi 2 năm sau đó, trên đất Philippines, cùng với những Quốc Vượng, Văn Trương, Hải Lâm, Bật Hiếu, Phước Vĩnh, Quốc Anh trong vụ bán độ ở SEA Games 23, sự nghiệp của Văn Quyến đã chính thức vụt tắt từ đó. Hết thời hạn thực thi án phạt của các cơ quan pháp luật, Quyến mất thêm một thời gian nhận án “treo giò” của VFF và được quay trở lại với bóng đá. Trong màu áo SLNA, cho đến những ngày tháng phải “phiêu dạt” vào Nam, ra Bắc, Quyến vẫn không thể nào lấy lại được phong độ một thời oanh liệt của mình. Và để rồi bây giờ, Quyến “béo” đang phải sống những tháng ngày cuối của sự nghiệp cầu thủ đầy khó khăn tại V.Ninh Bình.
Trong số 7 cầu thủ bán độ trong trận đấu với Myanamr tại SEA Games 23, còn có tiền vệ Quốc Vượng và hậu vệ Văn Trương từng là những “người hùng” ở SEA Games 22 trên sân nhà. Với Quốc Vượng, kỳ SEA Games 22 có lẽ chính là giải đấu mà anh để lại nhiều dấu ấn nhất trong sự nghiệp cầu thủ của mình khi tiền vệ áo số 22 này được mệnh danh là “lá phổi” ở tuyến giữa của U23 thời điểm đó và Vượng chơi như một nhạc trưởng đích thực, “tả xung hữu đột” ở mỗi lần vào sân. Còn nhớ trong trận bán kết SEA Games 22 trên sân Mỹ Đình, Quốc Vương chính là người khai thông thế bế tắc cho U23 Việt Nam bằng một phát “đại bác tầm xa” từ ngoài vòng 16m50 để mở đầu một trận cầu đầy kịch tính.
Nhưng cũng như Văn Quyến, với vụ án bán độ tại SEA Games 23, cái tên Lê Quốc Vượng "nổi đình nổi đám" nhất. Vượng bị kết tội tội chủ mưu, làm độ, xúi giục đồng đội tham gia vào đường dây bán độ với lời rủ rê, khiến đồng đội như Văn Trương, Hải Lâm, Phước Vĩnh, Văn Quyến, Quốc Anh nhận lời giúp với suy nghĩ giúp một người bạn, một người anh tháo gỡ những khó khăn lỡ vướng vào và có thể là chỉ một lần rồi thôi…
Sau khi được đặc xá vào năm 2009, Vượng được phép ra sân thi đấu nhờ nhiều chữ kí bảo lãnh của các lãnh đạo cấp cao ở CLB Thể Công Vietel và cả sự ưu ái của cơ quản quản lý bóng đá. Tuy nhiên, khi đôi chân còn chưa quen nhịp điệu cũ trên sân cỏ, thì người hâm mộ lại thấy hàng loạt những tin không hay về cuộc sống riêng tư của Quốc Vượng. Giới truyền thông đã lại xôn xao với những thông tin về Quốc Vượng, từ chuyện bị bạn gái đâm, lùm xùm với người tình cũ, hay những chuyện liên quan đến việc nợ tiền ở bản hợp đồng với Thanh Hóa... Có thể thấy Quốc Vượng trở lại rất nhanh cả trên sân cỏ lẫn những “sự cố” ngoài đời và đầu năm 2013 mới đây, đích thân cầu thủ này đã lên tiếng muốn giải nghệ và chia tay với trái bóng.
Trong nhóm bán độ ở Bacolod liên quan đến các gương mặt của U23 Việt Nam từng dự SEA Games 22, hiện chỉ có Văn Trương còn có những đóng góp tích cực trong màu áo CLB. Trở lại sân cỏ sau án bán độ, Văn Trương được bầu Đức cưu mang và anh cũng đã nỗ lực để làm lại. Văn Trường đã chơi khá thành công cùng HAGL và anh từng được HLV Calisto gọi trở lại ĐT Việt Nam để chuẩn bị cho giải Cup 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Hiện Văn Trương đang là trụ cột của HAGL tham dự V-League 2013.
* “Thần tượng” sụp đổ
Trong khi những Quốc Vượng, Văn Quyến sa ngã vì bán độ, thì Huy Hoàng, một “đàn anh” của bộ đôi cựu tuyển thủ này lại đánh mất hình ảnh của mình ở cuộc sống đời thường.
10 năm trước, Huy Hoàng là trung vệ thép ở đội hình U23 Việt Nam dự SEA Games 22 và là chỗ dựa vững chắc của đồng đội ở hàng thủ trong bối cảnh Như Thành, một gương mặt có “số má” khác trong danh sách các hậu vệ hàng đầu của bóng đá VN trong hơn chục năm qua, đã bị loại vì những “nghi án” ở các trận giao hữu trước SEA Games 2003. Sau giải năm ấy, trong khi các “đàn em” dính vào scandal “động trời” ở SEA Games 2005 thì Huy Hoàng ung dung tạo chỗ đứng vững chắc trong màu áo SLNA và tiếp tục được trọng dụng ở ĐTQG. Dù không phải là chốt chặn hoàn hảo, nhưng Hoàng luôn biết cách thể hiện được vai trò của mình trên sân để trở thành cái tên khó có thể quên khi nhắc đến các cầu thủ ở SLNA. Dù thường bị gắn với nhiều tin đồn về “cuộc sống hậu trường” ở SLNA, nhưng Huy Hoàng từng được xem như một trong những biểu tượng của bóng đá xứ Nghệ. Tuy nhiên, trong năm 2012, cảnh Huy Hoàng “múa hát trong trạng thái mất kiểm soát trước vô-lăng” và gây tai nạn giao thông ở Thanh Hóa đã khiến hình ảnh của trung vệ này trở nên “xấu xí” rất nhiều trong cách nhìn của những người quan tâm đến bóng đá Việt Nam.
Những cầu thủ kể trên đã từng làm người hâm mộ “thổn thức”, đã tạo dựng được tên tuổi của mình, nhưng nhiều người trong số họ cũng đã dễ dàng vứt bỏ những gì mình đã xây đắp nên trong làng bóng đá nội. Từ những cầu thủ chân chất cho đến khi trở thành “sao” của bóng đá Việt Nam, nhiều “đôi chân vàng” đã “lạc lối”, chẳng bù cho những đồng đội của họ ở đội hình U23 Việt Nam tại SEA Games 22 vẫn bền bỉ bước lên những đỉnh cao thực sự của nghề nghiệp.
* Mời các bạn đón đọc lúc 7h sáng 20/3/2013: U23 VN dự SEA Games 2003, giờ họ ở đâu? (Kỳ 3)