U23 Việt Nam “Vua kiểm soát bóng” ASIAD, Nhật Bản - Hàn Quốc phải nể
Dù chưa đạt được huy chương nhưng đứng trên góc độ chuyên môn, thậm chí “Những ngôi sao vàng” U23 Việt Nam mới là người làm chủ trận đấu trước các “ông kẹ” ASIAD 2018.
Video trận U23 Việt Nam - U23 Hàn Quốc (Nguồn tư liệu: Đài truyền hình kỹ thuật số VTC)
Tại ASIAD 2018, U23 Việt Nam chơi thứ bóng đá chững chạc, rắn rỏi và có tầm vóc cao hơn. Nó được thể hiện ở chỗ, U23 Việt Nam là đội nhỉnh hơn ở thời lượng kiểm soát bóng tới 6/7 trận. Thậm chí, đó là những trận đấu khi thầy trò HLV Park Hang Seo phải đối đầu với U23 Hàn Quốc - U23 Nhật Bản, hai “ông kẹ” vừa kịch chiến trong trận chung kết.
U23 Việt Nam chơi đầy chủ động trước U23 Hàn Quốc
Các thống kê sau trận đấu với U23 Hàn Quốc cho thấy, chính U23 Việt Nam mới là người làm chủ trận đấu. Suốt trận, các học trò của HLV Park Hang Seo cầm bóng 52% so với 48% của U23 Hàn Quốc, dứt điểm 11 lần so với chỉ 5 của đối thủ. Tiếc rằng chỉ số quan trọng nhất - bàn thắng, thì U23 Việt Nam lại thua kém một cách đáng tiếc.
Nhìn vào lối chơi của U23 Việt Nam trước “ông kẹ” U23 Hàn Quốc, có thể nhận ra một điều: “Những ngôi sao vàng” không hề phòng ngự tiêu cực. Vì thế, chưa một đối thủ nào tại ASIAD 2018 dám chê trách U23 Việt Nam chơi thứ bóng đá xấu xí theo kiểu xe bus 2 tầng, còn HLV Park Hang Seo cũng không phải Jose Mourinho phiên bản Hàn Quốc.
Không chỉ với U23 Hàn Quốc, mà ngay cả các đối thủ trước đó, U23 Việt Nam cũng chơi thứ bóng đá tương tự. Trận đấu với U23 Syria ở vòng tứ kết là một ví dụ. Mặc dù đội bóng Tây Á chiếm thế chủ động, nhưng U23 Việt Nam vẫn cầm bóng 50% - ngang bằng với đối thủ. Bên cạnh đó, số lần dứt điểm trúng đích của U23 Việt Nam là 4, với U23 Syria là 7 - tức đối thủ không áp đảo hoàn toàn.
Tiếc rằng nền tảng thể lực của các cầu thủ đã bị bào mòn
Đấu U23 Bahrain ở vòng 1/8, U23 Việt Nam cũng trình diễn lối chơi tương tự. “Những ngôi sao vàng” cầm bóng 49%, còn đối thủ là 51%. Đội bóng của HLV Park Hang Seo dứt điểm nhiều hơn (14 so với 9), và bàn thắng phút 88 của Công Phượng đến như một lẽ tất yếu sau nhiều đợt hãm thành.
Trận đấu với U23 Nhật Bản ở vòng bảng, thậm chí đội U23 Việt Nam mới là người làm chủ cuộc đấu. Các học trò của HLV Park Hang Seo cầm bóng tới 64%, so với 36% của đối thủ, dứt điểm cũng nhiều hơn (13 so với 7 của U23 Nhật Bản). Nên nhớ U23 Việt Nam có bàn thắng từ rất sớm, ngay phút thứ 3 nhờ công Quang Hải, nhưng đội bóng Đông Á này cũng không chiếm giữ được thế trận trước U23 Việt Nam.
Trận tranh huy chương đồng với U23 UAE vừa qua, U23 Việt Nam cầm bóng tới 61% so với 39% của đối thủ, dứt điểm 19 lần so với 10 lần của đội bóng Tây Á. “Những ngôi sao vàng” của HLV Park Hang Seo cũng dứt điểm trúng đích tốt hơn - 10 lần, so với chỉ 3 của U23 UAE. Do vậy, U23 UAE thực tế chỉ may mắn mới đưa trận đấu vào loạt penalty.
Nhiều thời điểm U23 Hàn Quốc phải phạm lỗi để phá lối chơi của U23 Việt Nam
Trận duy nhất U23 Việt Nam cầm bóng ít hơn đối thủ, đó là trận đấu với U23 Bahrain. Nhưng tỷ lệ gần như không chênh lệch 49% và 51%. Trận ấy, U23 Việt Nam dù cầm bóng ít hơn nhưng hoàn toàn làm chủ trận đấu, sút tới 14 lần, so với 9 của U23 Bahrain.
Thêm nữa, cho đến khi tiến đến vòng bán kết, U23 Việt Nam cũng chỉ có một mình Đoàn Văn Hậu là phải nhận 2 thẻ vàng, các cầu thủ còn lại không ai quá 1 thẻ. Và như đã nói, nếu có Văn Hậu thì chưa chắc Lee Seung Woo đã rảnh chân để phá lưới Tiến Dũng tới 2 lần.
Điều đó chỉ ra rằng, lối đá phòng ngự phản công mà HLV Park Hang Seo xây dựng cho U23 Việt Nam không hề tiêu cực theo kiểu xe bus xấu xí như Jose Mourinho. Thay vào đó, nó có nét tương đồng với lối chơi như Atletico Madrid của HLV Diego Simeone - đội bóng có khả năng phòng ngự thuộc dạng tốt nhất châu Âu. Đó là điểm tựa thành công của U23 Việt Nam tại ASIAD 2018.
Các cầu thủ U23 Việt Nam chia sẻ dòng cảm xúc, tâm trạng đầy ý nghĩa ở ASIAD.