U23 Việt Nam viết cổ tích, bạn bè Trung Quốc “cúi đầu” xin học tập
Ngôi nhì châu Á của U23 Việt Nam đã khiến bạn bè Trung Quốc ngưỡng mộ và muốn học tập cách làm bóng đá trẻ của Việt Nam.
U23 Việt Nam sau hành trình tại giải U23 châu Á 2018 đã thực sự để lại dấu ấn khó quên trong lòng khán giả, kể cả những người Trung Quốc. Đã phải chứng kiến đội tuyển U23 nước nhà bị loại sớm ngay từ vòng bảng và không tiếc lời mắng nhiếc, người xem bóng đá Trung Quốc dõi theo các bước chạy của U23 Việt Nam trong suốt 3 trận đấu knock-out.
Thành công của U23 Việt Nam chiếm sự chú ý đáng kể của các đầu báo thể thao Trung Quốc
Trên các ấn phẩm trực tuyến của báo giới Trung Quốc, người dùng Internet nước này không ngớt lời ca ngợi đội tuyển U23 Việt Nam ngay cả sau trận thua U23 Uzbekistan. “Một nhóm người chưa từng thấy tuyết trong đời đã đấu với một đối thủ hùng mạnh cho tới phút cuối cùng. Đây là sức mạnh, đây là ý chí của những con người có lòng tự tôn”, một bình luận nhận được tới hơn 1.600 lượt thích trên trang tin trực tuyến Sina News.
Số phận tương phản của đội tuyển U23 hai nước đã khiến người hâm mộ Trung Quốc hết sức quan tâm tới cách mà bóng đá Việt Nam đang làm công tác đào tạo trẻ, và tờ Sina News đã không bỏ lỡ cơ hội để mang tới cho họ một bức tranh về bóng đá trẻ Việt Nam. Tờ này đã có tới 2 bài viết về chủ đề này sau trận chung kết, mỗi bài viết đều có những sự so sánh với bóng đá trẻ Trung Quốc.
“U23 Việt Nam vào chung kết châu Á là một kết quả không tưởng, nhưng đó chỉ là một trong những dấu hiệu của sự đi lên với bóng đá trẻ Việt Nam. Họ đã liên tục có vé dự giải U16 châu Á trong khi U16 Trung Quốc 2 giải liên tiếp không vào vòng chung kết, U20 Việt Nam đã dự World Cup 2017 trong khi U19 Trung Quốc 6 kỳ liên tiếp không lọt vào top 4 đội mạnh nhất của giải U19 châu Á”, tờ này viết.
Những bình luận khen U23 Việt Nam kèm sự ngán ngẩm bóng đá nước nhà của các độc giả Trung Quốc
“Giải chuyên nghiệp Việt Nam không bằng Trung Quốc nhưng về đào tạo trẻ, bóng đá Việt Nam đã làm cực kỳ thành công. Họ có một hệ thống đội trẻ rất mạnh, từ năm 2007 đến 2017 học viện Hoàng Anh Gia Lai đã liên tiếp có cầu thủ góp mặt ở các đội tuyển bóng đá nam đủ mọi lứa tuổi. Trong khi đó học viện PVF đã mời Ryan Giggs và Paul Scholes đến giúp công tác quản lý”.
“Từ năm 2010 bóng đá Việt Nam đã có giải vô địch quốc gia ở các lứa tuổi U21, U19, U17, U15, U13 và cả U11 được thêm vào năm 2012. Trong lúc bóng đá Trung Quốc đang cãi nhau chuyện trọng tài, bóng đá Việt Nam đang hái những quả ngọt từ đào tạo trẻ”.
Bài viết thứ hai với cách nhìn nhận thực tế hơn có nhan đề “Bóng đá Việt Nam chưa bước ra biển lớn nhưng sẽ không phí thời gian”. Bài viết bình luận: “Bóng đá Việt Nam xứng đáng được tôn trọng, không có một đội tuyển nào lại ít được hy vọng như họ để rồi lôi 3 đối thủ mạnh vào 3 trận đấu kéo dài 120 phút. Đó không phải là sự may mắn”.
“Điều gì đáng để học hỏi từ họ? Bóng đá Trung Quốc đang bắt chước những mô hình từ đủ các nền bóng đá lớn, từ Tây Ban Nha, Brazil, Đức. Nhưng chúng ta không phải đi đâu xa cả, hãy học Việt Nam! Sự thật là họ mới làm bóng đá trẻ trong khoảng 10 năm nay, nhưng chính vì lý do đó mà họ có cách tiếp cận rất thực tế, không viển vông”.
Tiêu đề bài viết trên Sina News: "Bóng đá Việt Nam chưa ra biển lớn nhưng không bỏ phí thì giờ"
“Chúng ta đang cố với theo những mô hình cao cấp ở những nước có văn hóa bóng đá lâu đời, trong khi thực tế là đa số người dân Trung Quốc đang không quan tâm mấy đến bóng đá nước nhà. Hãy nhìn số khán giả xem các trận đấu của U23 Trung Quốc, nhiều nhất là 15.000 người nhưng chỉ riêng trận chung kết đã có tới hơn 10.000 người Việt Nam bay sang để cổ động. Hãy thử tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu trận chung kết đá ở Việt Nam”.
“Các CLB Trung Quốc đã đổ hàng tỉ nhân dân tệ để mua cầu thủ nước ngoài trong khi các cầu thủ Việt Nam đều là những ngôi sao ở chính CLB mà họ phục vụ, khiến sức hút của họ với người bản địa luôn được vững bền. Bóng đá Việt Nam đang không phí một chút thời gian nào, vậy bóng đá Trung Quốc chờ tới bao giờ?”, bài viết kết luận.
Hoa hậu Mỹ Linh chạm mặt thủ môn Tiến Dũng sau khi "tỏ tình" trên mạng xã hội.