U23 Việt Nam lập kỳ tích châu Á: Điểm tựa "hồi sinh" V-League
"Hiệu ứng U23 Việt Nam" đã tác động tích cực đến cuộc sống trong lẫn ngoài bóng đá và trên hết, trở thành chất xúc tác mạnh mẽ cho quá trình tìm lại sức hút cho V-League.
Video những bàn thắng của U23 Việt Nam ở VCK U23 châu Á
Đã lâu lắm rồi, bóng đá Việt Nam mới sống trong bầu không khí sổi nổi, hào hứng đến vậy sau chiến tích lịch sử của ĐT U23 Việt Nam ở vòng chung kết U23 châu Á. “Hiệu ứng U23 Việt Nam” cũng tác động theo hướng tích cực tới cá nhân, tổ chức cả trong lẫn ngoài bóng đá.
Dấu ấn chuyên môn không đủ giúp V-League 2017 lấy lại niềm tin từ NHM sau những scandal đáng xấu hổ
Trong khi đó, những người làm chuyên môn không mong đợi gì hơn, hiệu ứng này tiếp tục trở thành chất xúc tác mạnh mẽ cho công cuộc tìm lại sự hấp dẫn của V-League, một thời được ví như giải VĐQG hấp dẫn nhất Đông Nam Á.
Trước hết là sức hút về chuyên môn. V-league 2017 ít nhiều để lại ấn tượng tốt đẹp nhờ cuộc đua vô địch nghẹt thở (Quảng Nam lên ngôi xứng đáng), sự tỏa sáng của các chân sút nội với danh hiệu “Vua phá lưới” dành cho Nguyễn Anh Đức. Dù vậy, những yếu tố đó chưa đủ để hấp dẫn NHM. Thống kê chỉ ra, lượng CĐV đến sân mùa 2017 (1.017.000 người, trung bình 5619 người xem/trận) giảm dần đều so với những mùa trước (mùa 2016 hút 1.147.900 người, trung bình 6307 người/trận).
Giờ đây, phần lớn CLB V-League đều nắm trong tay quân “át chủ bài” giúp xoay chuyển cục diện: những gương mặt vừa tỏa sáng tại VCK U23 châu Á. NHM chắc chắn muốn dự khán trận đấu có Quang Hải, Văn Hậu (Hà Nội), Công Phượng, Xuân Trường (HAGL), Đức Chinh (SHB Đà Nẵng), Bùi Tiến Dũng (Thanh Hóa), hay Xuân Mạnh, Văn Đức (SLNA) để ủng hộ những người hùng bóng đá dân tộc.
Rõ ràng, thành công từ các cấp độ tuyển trẻ suốt 2 năm qua phần nào làm động lực cho CLB V-League, hạng Nhất mạnh dạn đặt niềm tin vào lứa "cây nhà lá vườn", bên cạnh hàng loạt hợp đồng bạc tỉ. Ngay cả VPF – đơn vị tổ chức V-League cũng tích cực đề xuất lên VFF phương án tạo điều kiện cho lứa U23 ra sân nhiều hơn, (ví như chính sách mỗi CLB có 1-2 cầu thủ độ tuổi này có mặt trong đội hình xuất phát).
Thứ hai, sức hút về thương mại. V.League 2018 chỉ còn 1 tháng nữa là khởi tranh, trong khi nhà tài trợ chính đã kết thúc hợp đồng sau mùa giải 2017. Tuy vậy vấn đề tìm kiếm nguồn ngân sách mới sẽ suôn sẻ hơn nếu các Mạnh Thường Quân còn hứng thú, niềm tin từ “hiệu ứng U23 Việt Nam”.
Cuối cùng, sức hút về hình ảnh - nguyên nhân chính khiến V-League bị NHM quay lưng suốt thời gian dài. Vấn nạn trọng tài, tiêu cực và bạo lực sân cỏ chưa bao giờ chấm dứt, thậm chí có dấu hiệu gia tăng ở mùa giải 2017, đỉnh điểm như scandal “bỏ đá” của CLB Long An trong trận đấu với TP.HCM trên SVĐ Thống Nhất (vòng 6).
NHM xứng đáng được thưởng thức bóng đá đẹp lâu dài, chứ không phải trong thời gian ngắn như "hiệu ứng U23 Việt Nam"
Vụ việc khiến V-League "mất điểm" trầm trọng trong mắt NHM nước nhà lẫn bạn bè quốc tế, dù cá nhân góp phần tạo nên "vết nhơ" này đều nhận sự trừng phạt thích đáng.
Thời gian qua, người ta luôn nhớ về khoảnh khắc Xuân Trường, Văn Thanh cào tuyết cho đồng đội sút phạt, Duy Mạnh tự hào cắm lá cờ Tổ quốc trên đống tuyết, siêu phẩm mang thương hiệu Quang Hải, tinh thần chiến đấu không biết mệt mỏi của các cầu thủ. Đó mới là vẻ đẹp thực sự mà bóng đá Việt Nam xứng đáng được khoác lên mình, xứng đáng nhắc đến chứ không phải "tiêu cực".
Cựu danh thủ Vũ Mạnh Hải, trong bài phỏng vấn trên báo giới cho rằng “Chiến tích phi thường của U23 Việt Nam không đại diện cho thành công của cả nền bóng đá”. Vấn đề ở chỗ, đốm lửa nhỏ ấy cần duy trì lâu dài để ngọn lửa tình yêu của NHM Việt Nam không nguội lạnh theo thời gian.
Park Hang Seo xứng danh “người đặc biệt” với những chiêu độc nâng tầm U23 VN.