U23 Việt Nam làm rạng danh bóng đá Việt: Đến lúc "xuất khẩu" ngôi sao?
Thành công của U23 Việt Nam liệu có tạo cơ hội để nhiều cầu thủ rời môi trường bóng đá Việt Nam để thử thách mình ở nước ngoài?
Năm 2018 là một năm mà bóng đá Việt Nam đã chứng kiến thành công ngoài dự kiến của U23 Việt Nam. Ngôi á quân tại giải U23 châu Á đầu năm và hạng tư tại ASIAD 2018 là minh chứng cho thấy khả năng cạnh tranh của các cầu thủ Việt Nam ở đấu trường quốc tế, rằng họ đủ khả năng về thể chất, kỹ thuật và tư duy chiến thuật để đối chọi với những đối thủ hàng đầu.
Nhiều cầu thủ Việt Nam như Công Phượng cho thấy chuyên môn đủ khả năng để tỏa sáng ở sân chơi quốc tế
Nhưng liệu cầu thủ Việt Nam đã có thể vươn ra ngoài lãnh thổ Việt Nam để thi đấu ở các quốc gia khác? Có một thực tế là các CLB nước ngoài sẵn sàng trao cơ hội cho cầu thủ Việt Nam. Nếu như những Xuân Trường, Tuấn Anh, Công Phượng tới Hàn Quốc & Nhật Bản thi đấu vì sự vận động của bầu Đức, những ví dụ hợp lý hơn phải kể đến Văn Quyết được mời sang Thái Lan & Malaysia thi đấu và Nghiêm Xuân Tú được 2 CLB Đức mời thử việc.
Văn Quyết và Xuân Tú rốt cuộc đã từ chối cơ hội thi đấu ở nước ngoài vì nhiều lý do. Văn Quyết được CLB Muangthong United và Kedah mời chào mức lương và đãi ngộ hơn hẳn CLB Hà Nội trong khi Xuân Tú thu được những lời khen ngợi rất nhiều từ CLB Fortuna Dusseldorf, nhưng Văn Quyết dường như không muốn xa gia đình còn Xuân Tú quyết định về tập trung cho Than Quảng Ninh để có cơ hội dự SEA Games 2017 (rốt cuộc vẫn vắng mặt vì chấn thương).
Mặc cho những thành công của các đội tuyển Việt Nam trong năm nay, chúng ta phải nhìn nhận thực tế là bóng đá Việt Nam vẫn có một giải VĐQG thua kém về tài chính, khán giả và sự ghi nhận so với ngay cả những giải VĐQG các nước Đông Nam Á như Thái Lan. Cầu thủ Việt Nam cần hướng tới những tiêu chuẩn lớn hơn thay vì hài lòng với mức sống V-League, và thi đấu ở những giải đấu tính cạnh tranh cao hơn sẽ giúp họ tiến bộ bản thân.
Ra thi đấu nước ngoài sẽ là một lựa chọn không dễ dàng cho những Quang Hải, Văn Hậu hay Bùi Tiến Dũng. Nếu chẳng may phải dự bị thì họ có thể mất chỗ ở đội tuyển. Họ sẽ phải bước vào một môi trường mới, văn hóa mới và ngôn ngữ mới. Và nếu họ đã có gia đình thì đưa gia đình ra nước ngoài sẽ là một yếu tố cản trở.
Những cầu thủ như Văn Hậu rất có thể sẽ được mời ra nước ngoài thi đấu nhờ có cả thể hình và trình độ
Nhưng trong năm nay chúng ta vừa có đội Á quân World Cup Croatia chỉ vỏn vẹn 2 người thi đấu ở trong nước, 21 cầu thủ khoác áo tại 10 quốc gia khác nhau. Tiền đạo Alfreo Finnbogason của ĐT Iceland biết tới 7 tiếng nước ngoài trong sự nghiệp thi đấu của mình trong khi ngôi sao Henrikh Mkhitaryan nói được 7 thứ tiếng. Ngay cả bóng đá Nhật cũng có cầu thủ chuyên nghiệp đầu tiên ở Đức trước cả khi nước này có giải VĐQG.
Thành công của U23 Việt Nam từ đầu năm là thông tin đáng khích lệ cho bóng đá nước nhà. Nhưng nếu giải VĐQG chưa thể hiện sự cạnh tranh ở đấu trường châu lục ở cấp CLB và bóng đá Việt chưa "xuất khẩu" cầu thủ, thành công hiện tại e rằng mới chỉ là tạm thời.
Màn trình diễn của U23 Việt Nam vẫn xứng đáng nhận được sự ghi nhận của NHM.