U23 Việt Nam: Đừng để nhà nghèo trúng số độc đắc mãi vẫn nghèo
Kì tích á quân của U23 Việt Nam ở sân chơi U23 châu Á đặt ra câu hỏi rằng, chúng ta phải làm gì để cả nền bóng đá nước nhà tiến lên chứ không phải chỉ là thành công nhất thời ở một giải trẻ.
Video U23 VN diễu hành trên xe bus 2 tầng khi về nước (nguồn Onsport):
U23 Việt Nam gây chấn động châu Á khi quật ngã hàng loạt ông lớn như U23 Australia, U23 Iraq hay U23 Qatar (lứa cầu thủ được quy hoạch cho World Cup 2022), chỉ thua U23 Uzbekistan ở chung kết trong hiệp phụ. Truyền thông quốc tế đi tìm hiểu bí kíp thành công của U23 Việt Nam, và chỉ ra một trong số đó là nhờ công tác đào tạo trẻ bài bản.
U23 Việt Nam thành công vang dội
Tạp chí danh tiếng Forbes thậm chí còn cho rằng U23 Việt Nam là bài học cho thành công của đào tạo trẻ ở châu Á. Lứa Công Phượng, Xuân Trường… của lò HAGL hợp tác với CLB Arsenal, từng làm nức lòng người hâm mộ từ năm 2013 ở vòng loại U19 châu Á (vùi dập U19 Úc 5-1). 2 năm trước, U23 Việt Nam cũng dự U23 châu Á. Đặc biệt lứa Quang Hải, Tiến Dũng vào đến bán kết U19 châu Á và dự U20 thế giới năm 2017.
Khi kết hợp lứa Công Phượng, Xuân Trường với lứa Quang Hải, Tiến Dũng dưới sự chèo lái của HLV tài ba Park Hang Seo, U23 Việt Nam liên tiếp hái quả ngọt. Hồi trong năm, họ từng đánh bại kình địch Thái Lan ngay trên sân của đối thủ. Tiến đến vòng chung kết U23 châu Á, khi chiến thuật định hình rõ ràng, sự gắn kết tăng cao, các cầu thủ hưng phấn, U23 Việt Nam làm nên kì tích.
Sau ngôi á quân châu Á của đội U23 Việt Nam, nhiều người hâm mộ nước nhà tự tin tuyên bố bóng đá Việt Nam “vươn tầm biển lớn”, “ngang hàng châu lục”, “mục tiêu lúc này là chiếc vé dự vòng chung kết World Cup”. Đó là sự lạc quan, nhưng có phù hợp với thực tế và có quá ảo tưởng bởi dù sao thành công vừa qua mới diễn ra ở một giải trẻ?
Cựu HLV tuyển nữ Việt Nam Steve Darby bày tỏ sự lo ngại “thành công đến quá sớm khi tuổi đời còn quá trẻ có thể khiến nhiều cầu thủ không giữ nổi mình”. Sau ánh hào quang, hiệu ứng từ truyền thông tác động lên cầu thủ là điều dễ hiểu. Từng thành viên trong đội U23 Việt Nam nên giữ được sự tỉnh táo cần thiết. Hãy nhớ lứa Quốc Vượng, Văn Quyến, Văn Trương, Quốc Anh khi xưa cũng rất tài năng nhưng họ dần chìm vì cái gọi là thành công quá sớm.
Các cầu thủ trẻ phải giữ đôi chân trên mặt đất còn các nhà quản lý cần tiếp đà phát triển bóng đá nước nhà
Đào tạo trẻ có ý nghĩa quan trọng nhưng V-League mới là bệ phóng, “nguồn dinh dưỡng” thực sự cho cả một nền bóng đá phát triển. Ở đội U23 Việt Nam, chỉ có Quang Hải là cái tên đủ bản lĩnh tỏa sáng ở V-League, trong khi những Công Phượng, Văn Thanh dù xung trận rất nhiều nhưng còn quá non nớt. Người hâm mộ quay lưng với V-League, đến lúc U23 Việt Nam thành công thì “lên đồng tập thể”. Nó chẳng khác nào chuyện cổ tích.
U23 Việt Nam hay, quả cảm nhưng cũng có những may mắn nhất định. U23 Việt Nam thực tế biết lấy yếu thắng mạnh chứ chưa mạnh. Mọi thống kê trong các trận đấu của U23 Việt Nam ở U23 châu Á đều khiêm tốn, từ tỷ lệ kiểm soát bóng (trung bình 34,3%) đến số lần dứt điểm, chuyền bóng. Đội bóng của Park Hang Seo giống “biết người biết mình, trăm trận không nguy” thì đúng hơn.
Bây giờ những nhà làm quản lý bóng đá Việt Nam phải vừa duy trì công tác đào tạo trẻ, vừa nâng tầm, phát triển cho lứa U23 Việt Nam nói riêng hiện tại. Trên tờ Fox Sports Asia, tác giả người Australia Scott McIntyre có bài viết: "Đừng để Việt Nam biến thành một Hy Lạp tiếp theo". Hy Lạp từng vô địch Euro 2004 nhưng họ chẳng còn là gì sau kì tích lịch sử ấy.
Với các cầu thủ U23 VN cũng vậy. Kỳ tích U23 châu Á là 1 vết son, nhưng sau chiến tích đó cần phải có lộ trình, hướng đi cụ thể, bài bản để nối tiếp thành công. Các cầu thủ U23 VN hiện đang là những siêu sao trong mắt NHM, nhưng họ cần phải biết giữ mình trước cám dỗ vật chất, để tiếp tục phát triển sự nghiệp. Nếu như ví von lứa cầu thủ U23 VN giành được tấm HCB châu Á như trúng vé số độc đắc, thì đừng để sự nghèo khó vẫn mãi đeo đuổi sau tấm vé số độc đắc ấy.
Quang Hải, Xuân Trường và Công Phượng đủ khả năng tới châu Âu thi đấu.