U22 thất bại: Ai mới đáng từ chức?
Trút giận lên HLV Hữu Thắng hay chế giễu bầu Đức chỉ là phản ứng nhất thời của người hâm mộ, vì điều mà dư luận mong muốn nhất là VFF phải cải tổ, phải có văn hóa từ chức
"VFF là tổ chức được lập ra để quản lý, điều hành các hoạt động bóng đá ở Việt Nam. Một tổ chức lập ra mà không làm tốt vai trò của mình thì cách tốt nhất là thay đổi", đó là một trong nhiều ý kiến mà bạn đọc gửi đến NLĐO với mong muốn nhìn thấy một sự cải tổ mạnh mẽ ở VFF sau quá nhiều năm chứng kiến những cú vấp ngã của bóng đá Việt Nam.
Nỗi buồn của U22 Việt Nam sau thất bại trước người Thái
9 năm kể từ lần thầy trò HLV Calisto đăng quang AFF Cup 2008, người hâm mộ bóng đá Việt Nam toàn phải xem những trận đấu buồn: 3/5 kỳ SEA Games bị loại từ vòng bảng, 3/4 kỳ AFF Cup toàn thua ở bán kết, 5 đời HLV Falko Goetz, Phan Thanh Hùng, Hoàng Văn Phúc, Toshiya Miura và Nguyễn Hữu Thắng đến rồi đi, trong khi danh hiệu SEA Games hay AFF Cup vẫn ngoảnh mặt.
Phó chủ tịch phụ trách chuyên môn của VFF Trần Quốc Tuấn bên các thành viên đội tuyển nữ
15 phút sau khi bị loại ngay từ vòng bảng SEA Games 2017, HLV Hữu Thắng tuyên bố từ chức. 15 giờ kể từ thời điểm lứa Công Phượng gục ngã, bầu Đức khẳng định rời khỏi chiếc ghế Phó chủ tịch LĐBĐ Việt Nam. Cả hai nhân vật đặt niềm tin số 1 vào SEA Games này đã thất bại, và họ nghĩ đơn giản từ chức là để nhường chỗ lại cho người khác làm được việc hơn.
Nhưng ai sẽ làm được việc hơn? Hay nói thẳng ra ai "dám ngồi" vào 2 chiếc ghế nóng đó, khi mà trong tổ chức vẫn còn nhiều người không làm được việc nhưng không hề có ý định rút lui. Nên nhớ, riêng thường trực VFF đã có đến 5 người, một mình bầu Đức nghỉ, đôi khi họ còn mừng vì nhổ nốt được cái gai trong mắt, quyền lực càng được gia cố.
Giả sử bầu Đức chia tay xong, cùng điểm qua vai trò "bộ tứ" thường trực VFF, những người sẽ có tiếng nói quyết định đến sự phát triển của bóng đá Việt Nam. Chủ tịch Lê Hùng Dũng mắc bệnh 2 năm nay, giao gần hết mọi việc cho phó chủ tịch phụ trách chuyên môn Trần Quốc Tuấn xử lý. Ủy viên Trần Anh Tú bận rộn với việc phát triển futsal. Còn phó chủ tịch phụ trách truyền thông Nguyễn Xuân Gụ có lẽ chỉ hợp với làm báo hơn làm bóng đá, đôi khi nhiều vấn đề VFF quyết về chuyên môn, ông còn không hay biết.
Ông Tuấn có mặt trong ngày vui của tuyển nữ Việt Nam dù mới chỉ trước đó ít giờ, U22 Việt Nam trải qua thất bại cay đắng
Như vậy, có thể thấy thực quyền nằm hết trong tay phó chủ tịch phụ trách chuyên môn Trần Quốc Tuấn. Với vị trí Ủy viên ban chấp hành LĐBĐ châu Á nhiều năm liền, ông Trần Quốc Tuấn được xem như đại diện của bóng đá Việt Nam trên trường quốc tế. Không phủ nhận ông Tuấn quảng giao, lại giỏi ngoại ngữ nên khi VFF cần làm việc với AFC hay FIFA, thường trực VFF giao hết việc cho ông Tuấn.
Có lẽ vì vai trò như vậy, nên khi các đội tuyển thất bại về chuyên môn, chính vị phó chủ tịch chuyên môn lại tự cho mình cái quyền "không phải chịu trách nhiệm". U22 thảm bại ở một kỳ SEA Games mà lẽ ra đáng phải kỳ vọng nhất vì như rất nhiều nhà chuyên môn, HLV và đồng nghiệp nhận xét, lâu rồi mới lại có một lứa cầu thủ tài năng đến vậy, ấy vậy mà ông Tuấn dửng dưng như không?
Trong khi Hữu Thắng đóng cửa phòng, các cầu thủ buồn và sợ bị chửi đến mức không dám đi ăn, không dám mở Facebook, còn bầu Đức cay đắng nói lời rút lui, thì người ta thấy ông Tuấn hào hứng chụp ảnh chung với đội tuyển nữ. Mà vai trò trưởng đoàn tuyển nữ, người chăm lo mọi thứ cho các cô gái là của ông Dương Vũ Lâm, người ít có tiếng nói nhất trong Ủy viên Ban chấp hành LĐBĐ Việt Nam nhưng làm đến đâu là giành vàng, giành bạc đến đó.
Là người phụ trách chuyên môn nhưng ông Tuấn dường như không muốn chịu trách nhiệm về hàng loạt thất bại của bóng đá Việt Nam ở các giải đấu lớn gần đây
Ngày hôm qua khi gặp ông Trần Quốc Tuấn đi xem tuyển futsal Việt Nam đá với Indonesia, người viết hỏi quan điểm của ông về việc HLV Hữu Thắng và phó chủ tịch Đoàn Nguyên Đức từ chức, người đồng cấp với bầu Đức trả lời rất nhanh "Ừ, anh cũng mới đọc báo, thấy nói thế". Sau đó ông rủ ông Trần Anh Tú đi nghỉ giải lao với một thái độ như thể ông không hề liên quan, có trách nhiệm hay chuẩn bị sẵn sàng trả giá cho thất bại của U22 Việt Nam.
Nhìn sang bóng đá Thái Lan, dù chủ tịch là một tướng cảnh sát về hưu, nhưng cái uy cũng như tiềm lực kinh tế của ông đã giúp LĐBĐ nước này toàn tâm toàn ý dốc sức để phát triển của bóng đá nước nhà, bắt đầu bằng việc nâng chất giải Thai-League.
Giữa các đội bóng tuy cạnh tranh khốc liệt nhưng đều có cùng định hướng cung cấp những nhân tố giỏi nhất cho các đội tuyển Quốc gia. Có chua xót hay không khi nhìn người Thái chỉ cần hội quân 1 tuần để đi đá SEA Games, với một lứa cầu thủ chưa phải nổi trội nhất, vẫn dễ dàng đè bẹp U22 Việt Nam với lứa cầu thủ tài năng, được tập trung gần 2 tháng, đi tập huấn ở Hàn Quốc nhưng thất bại theo cách cay đắng nhất.
Hữu Thắng đã từ chức, bầu Đức cũng nghỉ…, nhưng người cần nghỉ thì vẫn im lặng. Giấc mơ vàng SEA Games xem ra sẽ còn chờ dài dài, bởi lúc này, có đưa cả Mourinho về dẫn dắt thì cũng bất lực với VFF mà thôi!
ĐT nữ ăn uống kham khổ nhưng giành HCV, đội nam được chăm lo thì thất bại.