U19 VN: Dấu hỏi HLV “từ mẫu giáo đến đại học” (Bài 1)
Khó có thể đánh giá năng lực của một huấn luyện viên qua kết quả các trận đấu tập huấn, nhưng nhiều người quan tâm về câu chuyện HLV Guillaume Graechen ở đội U19 Việt Nam. Ông Giôm dạy dỗ các cầu thủ trẻ lò HAGL - Arsenal.JMG (chiếm lực lượng đa số ở ĐT U19 VN) từ lúc mới tuyển sinh (lứa U11-U12) cho đến việc được giao cầm quân lứa trẻ U19 quốc gia "chinh chiến" ở giải khu vực, châu lục.
Các cầu thủ U19 Việt Nam đang là đội tuyển giành được nhiều tình cảm của người hâm mộ và được đặt nhiều hy vọng có thể giúp bóng đá Việt Nam “nở mày nở mặt” ở sân chơi khu vực, châu lục. Nhưng để hướng đến những thành công thực sự trong tương lai, U19 Việt Nam còn nhiều việc phải làm. Để có thêm những góc nhìn về U19 Việt Nam, từ 24/3 mời các bạn theo dõi loạt bài U19 VN và câu chuyện HLV "từ mẫu giáo đến đại học” |
Từ chuyên gia đào tạo trẻ đến HLV "thử lửa" ở các giải quốc tế
Từ lần trình làng ở giải U19 Đông Nam Á năm ngoái, rồi vòng loại U19 châu Á, đội tuyển U19 Việt Nam (với lực lượng nòng cốt là U19 của Học viện bóng đá HAGL-Arsenal.JMG) đã tạo được tiếng vang với người hâm mộ. Người ta đang đặt nhiều kỳ vọng vào sự trưởng thành của thầy trò HLV Guillaume Graechen ở các giải sắp tới. Tuy nhiên, từ thực tế thi đấu của U19 Việt Nam trong nửa năm qua cũng đang đặt ra nhiều vấn đề được người hâm mộ, giới chuyên môn quan tâm về chuyện "dùng người" ở một đội tuyển trẻ quốc gia.
Mới đây, trong đợt tập huấn ở Anh, không những không đòi được món nợ đã thua trước U19 Tottenham ở Nutifood Cup 2014, thầy trò ông Giôm đã phải nhận thất bại thảm hại với tỉ số 0-9 trước đội quân của HLV John McDermott. Với nhiều người, trận thua này của U19 Việt Nam thực sự là một cú “sốc” lớn.
Tuy nhiên, trận thua 0-9 trước U19 Tottenham này không có nhiều khác biệt trước cú “sốc” thua U19 Nhật Bản với tỉ số 0-7 ngay tại Thống Nhất hồi tháng 1. Đã có nhiều nguyên nhân dẫn đến thất bại với tỉ số đậm nhất của U19 Việt Nam dưới thời ông Giôm được chính vị chiến lược gia người Pháp này chỉ ra sau trận đấu, như U19 Việt Nam thua thiệt về thể hình, thể lực, không có được sự chuẩn bị tốt về tinh thần, thiếu thủ lĩnh…
Khó có thể đánh giá năng lực của một huấn luyện viên hay cả một đội bóng qua kết quả các trận đấu giao hữu và tập huấn. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng U19 Việt Nam đang “đi học” và nếu Công Phượng cùng đồng đội muốn học được nhiều điều bổ ích từ chuyến tập huấn Châu Âu này, thay vì “đi du lịch” thì cũng cần đánh giá nghiêm túc lại trận thua này của U19 Việt Nam.
Ông Giôm bất lực nhìn học trò bị U19 Nhật Bản đánh bại với tỉ số 0-7 tại sân Thống Nhất hồi tháng 1/2014
Rõ ràng, trận thua 0-9 này trước U19 Tottenham rất có giá trị với U19 Việt Nam. Trước cầu thủ cao to của đội trẻ Tottenham, U19 Việt Nam đã không thể cầm bóng và đá theo cách của mình. Các học trò của ông Giôm đã không thể kiểm soát được bóng. Trước đối thủ mạnh thật sự, có trình độ chuyên môn tốt thì rất nhiều điểm yếu U19 Việt Nam đã bị phơi bày như phòng thủ không tốt, chiến thuật không rõ ràng…
Băn khoăn chuyện HLV cho cầu thủ “từ mẫu giáo đến đại học”
Từ đây, nhiều người đặt dấu hỏi về năng lực cầm quân của HLV Guillaume Graechen ở một đội tuyển trẻ quốc gia, bởi chuyên môn chính của ông thầy này là đào tạo trẻ và chưa có thật nhiều kinh nghiệm cầm quân thi đấu. Không phải đến thời điểm này những băn khoăn về tài cầm quân của ông Giôm mới được đặt ra, mà ngay từ sau khi U19 Việt Nam thi đấu tại Nutifood Cup thì người ta đã không thấy được dấu ấn chiến thuật rõ ràng của ông thầy người Pháp này.
Có thể, ông Graechen là người có thời gian dài gắn bó với những Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh… (từ lúc mới gia nhập Học viện HAGL Arsenal JMG), nên rất hiểu các học trò của mình. Nhưng vấn đề ở đây là kinh nghiệm cầm quân và trên thế giới cũng ít chiến lược gia gắn bó với một lứa học trò từ khi “học mẫu giáo lên đến đại học” như ông Graechen mà có thể gặt hái được thành công.
Hiếm có HLV nào gắn bó với học trò từ khi mới chập chững học đá bóng đến lúc sắp trưởng thành như thầy Giôm
Ở các học viện bóng đá, thường thì người ta phân cấp bậc đào tạo, mỗi nhóm HLV phụ trách đội U11, U13, U18…, chứ có rất ít HLV thành công khi theo các học trò từ nhỏ đến khi trưởng thành. HLV lừng danh Vicente Del Bosque của ĐT Tây Ban Nha từng khởi nghiệp là HLV đội trẻ của CLB Real Madrid (Real Madrid B). Vicente Del Bosque chính là người đào tạo nên những Iker Casillas, Raul Gonzalez, Guti…nhưng "Ngài râu kẽm” cũng chỉ gắn bó với đội trẻ của Real trong khoảng thời gian 3 năm (1987 đến 1990).
Hay chiến lược gia lão làng Gerard Houllier, trước khi gia nhập Liverpool và gặt hái được những thành công nhất định với đội bóng thành phố cảng (năm 1998), ông đã từng là người được giao nhiệm vụ nắm các đội trẻ U18 hay U21 của Pháp. Tuy nhiên, thời gian HLV sinh năm 1947 này làm việc với các đội trẻ của Pháp cũng chỉ trong khoảng 3 năm.
Chúng ta biết đến những HLV được cho là rất “mát tay” với công tác đào tạo trẻ như Arsene Wenger, Alex Ferguson…, nhưng thật sự thì những chiến lược gia này chỉ là người phát hiện tài năng và đằng sau họ là một đội ngũ HLV hùng hậu làm việc ở học viện bóng đá. Nói thế để thấy có không ít huấn luyện viên trong làng bóng thế giới nhờ nổi danh công tác đào tạo, phát hiện tài năng trẻ, nhưng khó có thể tìm thấy trường hợp nào gắn bó lâu dài với các học trò của mình như ông Giôm.
* Dưới góc nhìn của chuyên gia lão luyện trong nghề của bóng đá Việt Nam, họ sẽ đánh giá thế nào về lứa U19 Việt Nam đang tập huấn ở châu Âu. Mời các bạn đón đọc: “HLV Lê Thụy Hải: U19 VN chơi bóng vô tư quá (Bài 2)” vào 10h sáng thứ Ba 25/3.