U19 Việt Nam và câu chuyện gieo mầm
Các cầu thủ U19 Việt Nam đã bước vào giải đấu lớn với các đối thủ nặng ký của những lò đào tạo khác. Họ mới chỉ đi trên những đôi chân mới được xỏ giày đá bóng một năm sau hơn bốn năm tập chân trần. Những đôi chân đấy khác gì những đôi chân của thế hệ U16 Việt Nam 14 năm trước?
Nhìn Công Phượng với chiếc áo số 10 đi bóng trong rừng cầu thủ U19 AS Roma lại thấy nhớ chiếc áo số 10 của 14 năm trước trên sân Chi Lăng. Hồi đấy, Công Phượng mới 4 tuổi và chắc chắn cha, mẹ Phượng thời điểm ấy cũng có cảm giác tự hào khi nhìn lứa cầu thủ trẻ của SL Nghệ An đứng trong đội hình chính của U16 Việt Nam đánh bại U16 Trung Quốc bằng một lối chơi thuyết phục. Chiến thắng đấy gắn liền với chiếc áo số 10 mà Văn Quyến sở hữu.
Tôi không có ý so sánh hai chiếc áo số 10 cùng sinh trưởng tại Nghệ An ở hai thời kỳ khác nhau, nhưng muốn nhắc đến hoàn cảnh dẫn họ đến với bóng đá và cả môi trường bóng đá mà mỗi cầu thủ đi một ngả.
Văn Quyến 14 năm trước khi tham gia U16 Việt Nam thì chỉ có hai người tin rằng Quyến sẽ tỏa sáng, đó là trưởng đoàn Nguyễn Hồng Thanh và HLV Nguyễn Văn Thịnh.
Hồi đấy, ngồi với tôi ở khách sạn Hải Vân (Đà Nẵng) ông Thanh cười híp mắt khoe lứa “gà chọi” mà lò Nghệ An ươm mầm từ tuổi 13-14: “Tôi có thể khẳng định xuất phát điểm bóng đá Việt Nam không thua ai. Vấn đề là người lớn biết chăm sóc và dưỡng dục các em như thế nào để tạo cho các em một lộ trình phát triển tốt”.
Ông Thanh ngày ấy còn chỉ hai cầu thủ nhí mà chưa ai biết là Văn Quyến và Như Thuật. Ông nói: “Bé Như Thuật nhìn có tí xíu nhưng tư duy đá bóng như một Hồng Sơn tương lai. Thuật có những quả chuyền dài có điểm rơi rất chuẩn mà chúng tôi xác định trong một trận đấu nếu Thuật tung ra được 10 đường chuyền thì phải có đến 4-5 quả có thể ăn bàn”. Ông Thanh lại chỉ sang Văn Quyến và nói: “Nhìn em này hơi béo béo và lừ đừ thế chứ khi có bóng thì nhạy lắm. Một tài năng tương lai đấy. Cứ nhìn cái cách thằng bé chạm bóng và xử lý trái bóng thì đúng là trời phú…”.
Cũng một chiếc áo số 10
Ông Thanh không nói sai tí nào. Và đúng là ông Thanh có quyền tự hào về lứa cầu thủ mà ông kỳ vọng như là của riêng đoàn bóng đá Sông Lam Nghệ An hồi bấy giờ. Quyến của năm 2000 (tôi không muốn nói đến độ tuổi của Quyến ở thời điểm đấy) đúng là một ngôi sao trong dàn U16 thi đấu lăn xả và đậm chất kỹ thuật. Anh có một cú sút phạt tung lưới U16 Trung Quốc và một đường chuyền độc để đồng đội ghi bàn…
Hồi đấy, rất nhiều người nhắc đến hàng loạt cái tên trưởng thành từ lò Sông Lam Nghệ An bởi ngoài Văn Quyến, Như Thuật còn có Minh Đức, Lâm Tấn, Đức Anh…
Lạ ở chỗ họ lên rất nhanh rồi cũng xuống nhanh khi bước vào tuổi trưởng thành, khi họ không còn sinh hoạt chung với nhau trong một tập thể U16 mà bắt đầu ở cùng phòng, ăn cùng mâm và cùng chơi với các anh lớn.
Rõ nhất là Quyến, bước lên đội một Sông Lam Nghệ An, cạnh Quyến là cầu thủ đàn anh và sau Quyến là cả dây từ người đẹp đến người hâm mộ và nhiều thú vui vật chất chen vào đời sống bóng đá của Quyến.
Khi Quyến trưởng thành và có rất nhiều thì Công Phượng mới bắt đầu thôi lớp lá mon men vào lớp 1 ở Nghệ An. Trong trái bóng Phượng chơi ở trường lớp và những bãi đất rộng ở xứ Nghệ, hình ảnh Văn Quyến đổi đời cũng ảnh hưởng không ít đến Phượng và bạn bè. Rõ nhất là khi vào cấp 2, cha mẹ Công Phượng dẫn em đến lò Sông Lam Nghệ An trong đợt thi tuyển. Và cơ hội (ở Nghệ An) đã không đến với cầu thủ này khi em bị chê là thể hình mỏng quá. Và bước ngoặt đến với Phượng lại là đợt tuyển sinh của lò HA Gia Lai – Arsenal JMG. Sáu năm được ăn bóng đá, ngủ bóng đá, Phượng cùng lứa cầu thủ khóa đầu đã bắt đầu bước ra sân chơi trẻ và tạo được những dấu ấn đậm qua giải vô địch U19 Đông Nam Á và vòng loại U19 châu Á.
14 năm sau khi bóng đá Việt Nam đã quên hẳn lứa U16 từng có lần được xem là thế hệ vàng hơn cả vàng thì bây giờ mọi kỳ vọng lại đặt vào lứa U19 đang cùng với Công Phượng thi đấu Cup U19 Nutifood với những tên tuổi lớn như Nhật Bản, AS Roma, Tottenham. Những đôi chân sau thời gian 6 năm được đào tạo bởi công nghệ của JMG Arsenal nay đã làm người hâm mộ sung sướng với thứ bóng đá đẹp, hào hoa và đậm chất kỹ thuật.
Những Công Phượng, Văn Toàn, Xuân Trường, Tuấn Anh, Đông Triều… bây giờ nhìn tinh khôi cũng không khác gì lứa U16 14 năm trước. Họ đều là những tài năng của bóng đá nước nhà mới trải qua giai đoạn gieo mầm. Bây giờ, khi các cầu thủ bắt đầu thể hiện mình và cho thấy sẽ là những tài năng lớn ở tương lai lại mới là lúc những người lớn phải có trách nhiệm nhiều hơn.
14 năm trước ai cũng nói Quyến là tài năng thiên bẩm, nhưng sau đó lại “hòa tan” quá nhanh.
Giờ lại mong những đôi chân U19 sớm hòa nhập, nhưng đừng để hòa tan. Điều mà trước đây bóng đá Việt Nam từng có một thế hệ tốt, nhưng không biết giữ và mất trắng.
Hy vọng từ lứa U19 này bóng đá Việt Nam sẽ được chứ không mất và hy vọng các em trong thời gian gắn với học viện đã được phủ một lớp “anti virus” qua việc giữ chân và cả giữ đầu…
Video Những pha phối hợp biến ảo của U19 VN trận U19 AS Roma: