U19 Việt Nam: Áp lực của sự so sánh
Các cầu thủ trẻ của HA Gia Lai đang khoác áo những CLB Hàn Quốc - Nhật Bản dù ngồi dự bị nhiều hơn ra sân nhưng vẫn là chủ đề chính để làm phép so sánh với các đội tuyển Việt Nam.
1. Đêm qua (14-10), đội tuyển U-19 Việt Nam có trận ra quân ở vòng chung kết U-19 Đông Nam Á gặp đối thủ mạnh U-19 CHDCND Triều Tiên. Sau đó, các học trò HLV Hoàng Anh Tuấn lần lượt gặp hai đội bóng lớn khác là U-19 Iraq và U-19 UAE. Nhìn vào ba đối tượng hơn hẳn mình cả về trình độ chuyên môn lẫn hình thể, VFF không dám giao một chỉ tiêu cụ thể nào mà đơn giản chỉ là chơi nỗ lực hết mình, phấn đấu từng trận một.
Lứa HAGL trở thành điểm để đem ra so sánh
Đây cũng là giải đấu lớn mà hai năm trước, lứa cầu thủ Xuân Trường, Tuấn Anh, Công Phượng tham gia và bị loại ngay từ vòng bảng (thua Hàn Quốc 0-6, thua Nhật Bản 1-3, hòa Trung Quốc 1-1). Thời điểm ấy chính là “thời” của Học viện HA Gia Lai nổi đình nổi đám bởi lối chơi lạ mắt và quyến rũ nên đá thua cỡ nào cũng thấy đẹp.
Lần này đội tuyển U-19 Việt Nam không có cách chơi hấp dẫn như trước và dưới thời HLV Hoàng Anh Tuấn bị chê nhiều hơn khen. Dĩ nhiên dư luận buộc phải so sánh lứa U-19 của hai thời kỳ, làm cho người trong cuộc cảm giác áp lực và khó chịu.
So sánh nào cũng khập khiễng. Đấy là lý do để HLV Hoàng Anh Tuấn giải tỏa cho học trò bằng cách thổ lộ tất cả cầu thủ đều đáp ứng được yêu cầu chuyên môn. Vấn đề là các tuyển thủ U-19 Việt Nam phải chơi sao cho đẹp, không vì sự so sánh mà hoảng sợ đánh mất mình. Dẫu có thua cũng không phải cúi đầu.
HLV Hữu Thắng và các cầu thủ HA Gia Lai vô tình gánh áp lực với thành phần còn lại của đội tuyển cũng góp phần không ít vào sức sống toàn đội. Ảnh: XH
2. Đội tuyển Việt Nam sau hai trận giao hữu gần nhất đã cho thấy hai gương mặt lẫn sự hiệu quả khác nhau. Nghiệt nỗi nó đến từ đội hình có và không có cặp tiền vệ Tuấn Anh - Xuân Trường khiến cho người ta không khỏi dùng phép so sánh.
Rõ ràng đội tuyển có sự góp mặt của các cầu thủ HA Gia Lai đã thể hiện một lối chơi khác, nhuần nhuyễn hơn trong nội bộ của họ lẫn hòa hợp hơn với các tuyển thủ khác. Trận thắng đậm CHDCND Triều Tiên 5-2 đã bộc lộ rõ sức sống mới ở đội tuyển Việt Nam, không giống như trận hòa Indonesia 2-1 khi vắng Tuấn Anh - Xuân Trường.
Chính vì thế, HLV Hữu Thắng thường phải giải đáp thắc mắc về cách chơi của đội tuyển có kém hiệu quả nếu thiếu cầu thủ “du học” của HA Gia Lai, khi sự thật đã phơi bày qua hai trận đấu?
Ông thầy trẻ buộc phải nhắc đi nhắc lại, không chỉ cho các học trò mình biết, rằng đội tuyển không phụ thuộc vào các cầu thủ trẻ của HA Gia Lai. Đương nhiên HLV Hữu Thắng còn nhiều phép tính khác của mình, vì ông còn phải lường đến khả năng họ bị bắt bài như đã từng bị hồi còn khoác áo U-19 hay U-23 Việt Nam.
Không ai phủ nhận các cầu thủ xuất thân từ Học viện HA Gia Lai Arsenal JMG có nhiều tố chất trội hơn đồng nghiệp nhưng sự so sánh giữa họ với những cầu thủ ở các đội tuyển phần nào khiến tất cả gánh nặng áp lực không đáng có.