U19 HAGL-Arsenal JMG lên đá V-League: Ta tắm ao ta…
Bầu Đức đã quyết định cho lứa cầu thủ U-19 của Học viện HA Gia Lai - Arsenal JMG lên chơi V-League 2015 để không lãng phí tài năng và không tốn tiền mua cầu thủ ở mùa giải mới.
Thực tế thì ngay trong mùa bóng này, HA Gia Lai đã từng đưa hai cầu thủ của lớp năng khiếu (không đủ tiêu chuẩn ở học viện) lên đá V-League, ngoài Đức Lương còn có Minh Vương trở thành cầu thủ trẻ xuất sắc nhất giải. Điều này cho thấy một số cầu thủ của Học viện HA Gia Lai - Arsenal JMG có đủ năng lực thích nghi ở V-League dù không phải là trụ cột như khi đá cho U-19 quốc gia.
Ý tưởng của bầu Đức lần này không giống hồi ông chán ngán V-League đã từng tuyên bố cầu thủ do học viện đào tạo không phải để chơi V-League mà chỉ có thể đại diện cho đội tuyển quốc gia. Thậm chí ông còn muốn giúp các cầu thủ trẻ phát triển nghề nghiệp bằng cách tập huấn hoặc thi đấu lâu dài ở những quốc gia phát triển nhưng rồi bầu Đức đã nghĩ lại đến bài toán kinh tế lẫn sự đơn độc của mình khi phải nai lưng ra làm thay cho cả một nền bóng đá.
Thầy “Giôm” và các cầu thủ trẻ U-19 HA Gia Lai - Arsenal JMG đã chuẩn bị nếu không bán được cho các CLB châu Âu và Đông Á sẽ chơi bóng tại “ao nhà” V-League. Ảnh: XUÂN HUY
Nghiệt nỗi lứa đầu tiên hợp tác với Arsenal đến tháng 10 sẽ tốt nghiệp trong lúc đối tác chưa có nhu cầu và khả năng “xuất khẩu” còn nhiều hạn chế nên việc một số cầu thủ lên đội một HA Gia Lai để thử lửa là điều chẳng đặng đừng.
Bóng đá Việt Nam từng có nhiều cầu thủ ở lứa U-19 lên chơi V-League và nhanh chóng trưởng thành hoặc phát triển tốt hơn khi va chạm nhiều nhưng để giữ mình lẫn duy trì phong độ không phải ai cũng thành công.
Trường hợp của Thanh Bình, Văn Quyến thường được nhắc đến như là những cựu thần đồng chứ không hẳn bởi họ duy trì lâu dài sự ngoan ngoãn của đôi chân và cái đầu, khác với Công Vinh hoặc sau này là Thành Lương, Văn Quyết,… may mắn miễn nhiễm trong một môi trường còn bẩn.
Điều dư luận băn khoăn về lứa măng non của học viện khó mọc thẳng hoặc bị vấy bẩn ở V-League đã được bầu Đức giải tỏa nhờ vào ý thức lẫn phương pháp giáo dục của Arsenal nếu không cho ra cầu thủ giỏi vẫn trở thành một công dân tốt.
Năm ngoái, có bốn cầu thủ hay nhất của học viện là Tuấn Anh, Xuân Trường, Đông Triều và Công Phượng đạt phần thưởng là hơn một tháng huấn luyện ở Trung tâm Arsenal bên nước Anh nhưng rồi sắp đến ngày tốt nghiệp vẫn chưa thể lọt vào mắt xanh của những tuyển trạch viên không chỉ của Arsenal.
Cho nên việc bầu Đức buộc phải cho lứa “gà chọi” của mình tham gia V-League là phương án cuối cùng trong sự cô độc về những bước đi tiên phong mà chưa thấy sự đồng điệu của cả một nền bóng đá.